Sớm tạo ra văn hóa từ chức

Thứ bảy, ngày 15/09/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần có cơ chế để cho người tín nhiệm thấp từ chức, từ nhiệm, dần dần tạo ra văn hóa từ chức.
Bình luận 0

Sáng 14.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về đề án lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Các ý kiến đã tập trung vào việc nên lấy phiếu hàng năm, 2 năm 1 lần hay mỗi nhiệm kỳ 2 lần và nên xử lý ra sao với người có tín nhiệm thấp.

Hàng năm hay 2 lần/nhiệm kỳ?

Về đối tượng đưa ra lấy phiếu tín nhiệm (PTN), đề án có 2 phương án: Phương án 1 là lấy PTN với những người giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước ở T.Ư do Quốc hội bầu và phê chuẩn, tổng cộng có 49 người, tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của Nghị quyết T.Ư 4, như Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch HĐ dân tộc, Chủ nhiệm các UB của QH, các thành viên của UBTVQH (17 người); Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP, các thành viên khác của CP (27 người)…

Ưu điểm của phương án này sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải và hình thức. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là chưa bao quát hết những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

img
Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được chất lượng các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn (Ảnh minh họa).

Chính vì vậy, phương án 2 được đưa ra là lấy PTN tất cả những người giữ các chức vụ do QH bầu và phê chuẩn, tổng số là 430 người. Ưu điểm của phương án này thể hiện mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, phương án cũng có hạn chế, cụ thể là số lượng người lấy PTN hàng năm quá lớn. Ngoài ra, việc xác định tiêu chí để đánh giá cũng khó khăn vì có nhiều chức danh hoạt động theo chế độ tập thể, khó xác định trách nhiệm cá nhân. Đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo đề án đều tán thành với phương án 1.

Theo đề án, việc xác định kết quả tín nhiệm dựa trên 3 mức độ. Mức độ 1: Người được tín nhiệm cao là người có số phiếu “tín nhiệm cao” đạt trên 50% tổng số đại biểu QH. Mức độ 2: Người được tín nhiệm là người có tổng số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” đạt trên 50% tổng số đại biểu QH. Mức độ 3: Người được tín nhiệm thấp là người có số phiếu “tín nhiệm thấp” đạt trên 50% tổng số đại biểu QH.

Về thời điểm tổ chức lấy PTN, đề án cũng đưa ra 2 phương án để lựa chọn. Theo phương án 1, việc lấy PTN sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm theo đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4. Còn phương án 2 thì quy định việc lấy PTN 2 lần trong một nhiệm kỳ vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp. Đa số thành viên Ban chỉ đạo cũng tán thành phương án 1.

Về vấn đề công bố và xử lý kết quả lấy PTN, theo phương án 1 thì kết quả lấy PTN phải được công bố công khai, thông báo cụ thể tỷ lệ phiếu của từng người. Căn cứ vào kết quả này, người được lấy PTN có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó, QH có thể miễn nhiệm để chuyển sang làm công tác khác phù hợp hơn. Trường hợp người nào có 2 năm liên tiếp không đạt trên 50% tổng số đại biểu QH tín nhiệm thì UBTVQH có trách nhiệm trình QH bỏ PTN theo Luật Tổ chức QH.

Còn phương án 2 là chỉ công bố công khai kết quả lấy phiếu là đạt hay không đạt mức tín nhiệm. Kết quả này cũng chỉ mang tính thăm dò, phục vụ cho công tác bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng.

Không có chuyện lấy tín nhiệm xong rồi… để đấy!

Ngay trong phần đầu thảo luận, nhiều thành viên UBTVQH đã yêu cầu Ban soạn thảo phân biệt rõ sự khác biệt giữa lấy PTN và bỏ PTN.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng ban chỉ đạo đề án - giải thích ngắn gọn: “Giữa lấy PTN và bỏ PTN có mức trung gian. Việc lấy PTN là để thăm dò, đo mức độ tín nhiệm của anh. Còn bỏ PTN là bước hành động tiếp theo của lấy PTN, quyết liệt hơn. Bỏ phiếu rồi còn thêm một bước nữa là bãi miễn. Ví như lấy PTN 2 năm mà anh không đạt tín nhiệm thì phải đưa sang để QH bỏ PTN, sau đó là bãi miễn. Tóm lại là sẽ theo 3 bước: Lấy PTN, bỏ PTN và bãi miễn”.

Đồng quan điểm với Chủ tịch QH nhưng Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng đề nghị thêm: “Ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ, cần thêm vào quy định bỏ phiếu bất thường khi cán bộ có những sai phạm lớn nghiêm trọng”.

Hà Nội: Cán bộ tín nhiệm thấp sẽ bị luân chuyển, thay thế

Ngày 13.9, Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân theo Nghị quyết T.Ư 4 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kết thúc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, trong thời gian tới, để khắc phục ngay các tồn tại, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp chính. Trước hết phải tiếp tục nâng cao, đổi mới chất lượng công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Trong các giải pháp đưa ra nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố, quận, huyện, thị xã, sở, ngành và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu. Nếu cán bộ nào 2 năm liên tục tỷ lệ phiếu tín nhiệm không đạt yêu cầu, hoặc 1 năm có tỷ lệ tín nhiệm quá thấp sẽ phải thay thế, luân chuyển, không chờ hết tuổi, hết nhiệm kỳ.

ĐB Trương Thị Mai cho rằng, nếu đề án đưa ra quá nhiều mức độ đánh giá thì e sẽ không tập trung. Rồi lại phải giải thích khái niệm thế nào là “tín nhiệm cao”, thế nào là “tín nhiệm”. Chi bằng chỉ đưa ra 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để lấy phiếu. Về thời điểm lấy PTN, ĐB Phùng Quốc Hiển cho rằng, năm nào cũng lấy PTN cũng có mặt trái. “Nhiệm kỳ QH 5 năm thì đã 4 lần lấy PTN, các đồng chí bị lấy PTN nhiều lần quá cũng làm cho ý chí già cỗi, mất đi quyết đoán. Chỉ nên lấy PTN 2 năm/lần và cũng chỉ cần 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Nhưng kết quả nhất định phải công khai, cụ thể”.

Ông Hiển cũng đề xuất ý tưởng: “Nếu người nào không đủ tín nhiệm thì nên có một cấp độ nữa trước khi tiến hành bỏ PTN là để cho họ hứa trước QH hoặc tự từ chức”. ĐB Trần Hạnh Phúc cũng cho rằng người nào sau 2 năm lấy PTN mà tín nhiệm vẫn thấp thì nên khuyến khích người đó từ chức để bảo đảm danh dự.

ĐB Phan Xuân Dũng đồng tình với phương án lấy PTN 2 năm/lần và lập luận: “Do đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện nên kinh nghiệm chưa có nhiều, do vậy phải thận trọng”. ĐB Nguyễn Kim Khoa cũng tán thành rằng vì đây là công việc hết sức hệ trọng, chưa từng có thực tiễn nên phải làm chặt chẽ và có bước đi phù hợp, đặc biệt không được làm tràn lan dễ gây ra hậu quả xấu.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lại cho rằng, thời điểm lấy PTN nên định kỳ hàng năm. “Chắc chắn sẽ có khó khăn nhưng phải tập cho quen dần để thấy nó bình thường. Chứ nếu sợ ảnh hưởng tới ý chí, quyết tâm thì không chuyên nghiệp” - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh và nói thêm: “Ngoài ra cũng cần có cơ chế để cho người tín nhiệm thấp từ chức, từ nhiệm, dần dần tạo ra văn hóa từ chức”.

Chốt lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Lấy PTN sẽ là một yếu tố để xem xét bỏ PTN. Sau khi lấy PTN xong, nếu cán bộ nhận được tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền sẽ phải làm các bước tiếp theo chứ không phải lấy PTN xong rồi để đấy…”.

Đề án này sẽ được tiếp thu hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó mới chỉnh lý và trình QH thảo luận trong kỳ họp cuối năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem