Nụ hôn của thần chết
3.000 năm trước công nguyên, son đỏ từng làm cả phụ nữ lẫn đàn ông phát cuồng. Sắc màu của sự táo bạo, mạnh mẽ, đòi hỏi người khác phải ngước nhìn đó gắn liền với những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Thưở ban đầu, thành phần được dùng để tạo ra màu son đầy khêu gợi này là i-ốt, manit, và màu nhuộm lấy từ tảo biển. Người ta cho rằng, phụ nữ Mesopotamian là những người đầu tiên phát minh ra son môi thực sự bằng cách sử dụng các loại đá quý như ruby nghiền nát rồi thoa lớp bột đó lên môi và má.
Biểu tượng của sắc đẹp cổ đại - nữ hoàng Cleopatra - có cách chế tạo son từ xác khô của bọ cánh cứng và màu của các loại quả mọng. Thi thoảng, để có màu son bóng sáng hơn, bà trộn những thành phần trên với một lượng nhỏ vảy cá. Vợ của hoàng đế Nero lại có rất nhiều nô lệ chỉ phụ trách việc thoa son cho bà cứ sau mỗi giờ, là bởi thời đó chưa có loại son lâu trôi.
Suốt thời cổ đại, khoáng chất và nọc độc của côn trùng được dùng để chế tạo nên son môi. Hàng trăm phụ nữ đã chết vì thử nghiệm với các thành phần vô cùng độc hại này để có được màu son đỏ đẹp nhất. Người ta gọi son đỏ là "nụ hôn" thần chết cũng là bởi lẽ đó.
Thời trung cổ, khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhất lên ngôi, son đỏ là biểu tượng của quyền lực và sự quyến rũ. Công thức son đỏ của nữ hoàng Anh là sự pha trộn của sáp ong và cây cỏ có màu nhuộm. Quá trình tìm kiếm màu đỏ yêu thích của bà mất khoảng vài tháng.
Còn ở Mỹ, phụ nữ thuộc địa trong nhiều thập kỷ thường làm hồng đôi môi bằng cách ngậm chanh, dù cách làm đẹp này vô cùng có hại cho răng lợi. Thời nào cũng vậy, để có thể đẹp hơn, phái đẹp sẵn sàng hy sinh, thậm chí cả tính mạng của mình.
Bắt đầu từ thế kỷ 19, son đỏ được làm từ màu nhuộm đỏ thắm như màu máu, và giá cực kỳ đắt bởi đó là chiết xuất vô cùng công phu từ xác khô của bọ yên chi Cochineal. Những năm 1980, các công ty bắt đầu pha trộn màu đỏ thẫm đó với sáp ong để nó có màu và cấu trúc tự nhiên hơn.
Còn hiện tại, người ta thêm vào cây son đủ thứ nguyên liệu, từ dầu olive, khoáng chất và dầu castor, bơ ca cao, petrolatum và mỡ lông cừu lanotin đến các chất dưỡng ẩm như Vitamin E, aloe vera, amino acids, chất chống nắng và các collagen. Son đỏ cũng không bó hẹp trong giới hạn màu đỏ thắm nữa. Cả một thế giới son đỏ đã được tạo nên từ những chất nhuộm màu và chất tạo màu, tự nhiên có, nhân tạo có.
Gái ngoan không thoa son đỏ
Son đỏ gắn với những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, từ những nữ hoàng như Cleopatra, Elizabeth tới những minh tinh màn bạc sexy nhất mọi thời đại như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Grace Kelly và Lucile Ball. Có lẽ bởi thế mà lịch sử của son đỏ gắn liền với những tai tiếng, xấu xa, dục vọng và cả… quỷ sứ.
Châu Âu thời trung cổ, nếu môi của những phụ nữ có màu đỏ không tự nhiên, họ sẽ bị coi là quỷ Sa-tăng. Những tưởng thời cổ đại người ta mới ấu trĩ thế, vậy mà những năm 1700, quốc hội nhiều nước thậm chí đã thông qua luật cấm phụ nữ thoa son và cho phép nam giới có quyền ly dị vợ nếu họ thoa lên môi son đỏ.
Thời gian đó, lịch sử son đỏ gắn liền với những vụ cưỡng hiếp. Rất nhiều vụ án xảy ra và kẻ gây tội lại nhởn nhơ chỉ vì chúng có lý do "chính đáng" để làm việc này: tất cả những nạn nhân nữ khi bị cưỡng hiếp đều thoa son đỏ.
Thế kỷ 19, son đỏ có màu thẫm như màu máu. Người ta coi đó là màu của quỷ và đương nhiên, việc thoa son đỏ cũng đồng nghĩa với quỷ ám, với sự nổi loạn, bất bình thường. Những năm 1890, khi người ta biết dùng sáp ong để tạo hình cho son đỏ cũng là lúc thứ vũ khí của sự quyến rũ này bị đánh đồng với những người đàn bà lăng loàn, bởi theo các nhà nhân loại học, son đỏ gợi hình tượng một đôi môi đang khao khát được làm tình.
Nước Mỹ văn minh năm 1915 cũng ý tứ phản đối phụ nữ thoa son đỏ, bằng một bài báo cảnh tỉnh phụ nữ nên cẩn thận khi dùng màu son này, bởi nó là màu son đồi bại, và thoa son đỏ là một hành động nổi loạn. Nhưng bất chấp những định kiến tồi tệ, son đỏ vẫn trở thành một chuẩn mực thời trang của những cô gái mới lớn những năm 1920, cùng với các mẫu nhẫn cocktail mặt đá cỡ đại. Mặc dù vậy thì việc thoa son đỏ vẫn chỉ được chấp nhận sau bữa trưa, còn sau bữa tối thì… không đời nào.
Mãi cho đến năm 1930, khi nhãn mỹ phẩm Elizabeth Arden bắt đầu giới thiệu những màu son khác nhau, với màu đỏ là chủ đạo và sau đó Estee Lauder cũng bắt đầu bán son môi trong các salon của mình, những cô gái ngoan mới được xã hội chấp nhận cho dùng son đỏ.
Suốt giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, son đỏ trở thành một vật trang điểm danh giá, bởi chỉ những phụ nữ giàu có, thuộc tầng lớp thượng lưu mới đủ tiền mua son trang điểm. Vị thế của son đỏ còn được hậu thuẫn bởi một loạt những cái tên đình đám của ngành công nghiệp điện ảnh những năm đó. Thậm chí, tới những năm 1960, phụ nữ không thoa son thường bị coi là đồng tính hoặc mất trí.
Cho đến bây giờ, son đỏ chưa bao giờ đánh mất vị trí tối thượng trong bảng màu trang điểm. Nó trở thành vật bất ly thân của 80% phụ nữ Mỹ, mê hoặc từ những cô gái mới lớn đến phụ nữ tuổi xế chiều.
Với những người đàn bà quyền lực của thời trang như Gabrielle Chanel, đỏ là màu của cuộc sống, của máu - "Red is the colour of life, of blood, I love red". Và vì lẽ đó, Chanel chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng mà không thoa son đỏ. Đam mê đó là đòn bẩy để Chanel tạo ra những huyền thoại màu đỏ như Rougue Allure.
Còn với những công ty mỹ phẩm nổi tiếng như Clinique, cứ mỗi phút lại có một thỏi son được bán ra. Thế giới thay đổi kể từ khi son đỏ ra đời. Phụ nữ mạnh mẽ hơn cũng bởi có son đỏ. Bởi lẽ đó, son đỏ luôn luôn là thời thượng.
Quá trình tiến hóa của cây son
Cây son đầu tiên được sản xuất và bán ra thị trường (chứ không phải những loại son tự chế tại nhà) vào năm 1884. Cuối những năm 1890, Sears Roebuck bắt đầu quảng cáo và bán cả màu môi - má. Ban đầu, son trang điểm không được đóng gói như chúng ta thấy ngày nay, mà được gói trong giấy lụa, đặt trong những tuýp giấy, sử dụng giấy màu, hoặc bán trong những lọ nhỏ.
Người phát minh ra những thỏi son giúp phụ nữ có thể mang chúng đi khắp nơi là Maurice Levy của công ty Scovil Manufacturing Company và James Bruce Mason Jr. của Nashville.
Năm 1915, Maurice Levy sáng chế ra tuýp kim loại với một nấc đòn bẩy nhỏ ở bên cạnh để đẩy lên và hạ xuống thỏi son. Levy đặt tên cho phát minh của mình là "tuýp Levy". Năm 1923, James Bruce Mason Jr. được cấp bằng sáng chế tuýp dạng xoáy. Từ đó đến nay thì hình dáng của cây son liên tục được cải tiến, làm mới.
Theo Sành Điệu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.