Sơn La đánh thức "kho báu" quý hiếm dưới tán rừng

Thanh Ngân-Phạm Hoài Thứ ba, ngày 07/06/2022 12:02 PM (GMT+7)
Sơn La có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc khai thác dược liệu quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Bình luận 0

Sơn La có tiềm năng dược liệu

Theo kết quả điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu của Viện Dược liệu Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Sơn La có đến 562 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao như: Đương quy, giảo cổ lam, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích... 

Cây dược liệu tập trung nhiều nhất ở các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ… Các loài dược liệu có thế mạnh đã và đang được quan tâm bảo tồn, phát triển.

Tỉnh Sơn La có nhiều mô hình trồng dược liệu điển hình như: Trồng thảo quả dưới tán rừng tại huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, năng suất 3-5 tấn quả tươi/ha, thu nhập khoảng 60-100 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây sạch tại huyện Mai Sơn, thu nhập 25-35 triệu/tấn hạt; mô hình trồng sả tại huyện Mường La, năng suất trung bình đạt 3,5 tấn/ha, doanh thu đạt 35 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Mai Sơn...

Con đường tăng giá trị dược liệu ở Sơn La - Ảnh 1.

Ông Lý Đình Quân, Trưởng làng công nghệ du lịch - ẩm thực, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn chia sẻ tại Hội thảo: "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng". (Ảnh: Phạm Hoài)

Tại Hội thảo: "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng", ông Lý Đình Quân, Trưởng làng công nghệ du lịch - ẩm thực, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, chia sẻ: Sơn La có nhiều tiềm năng về dược liệu được đánh giá có nhiều thuộc tính có thể cạnh tranh với các khu vực như Tây Nguyên và Hòa Bình. 

Tuy nhiên, Sơn La vẫn rất chậm trong vấn đề xác định tầm nhìn phát triển dược liệu, cũng như là hoạch định dự án cho vùng dược liệu Sơn La. 

Sơn La chưa có một tầm nhìn, sự đột phá trong việc phát triển vùng nguyên liệu và hình thành chế biến sâu trong vấn đề dược liệu cũng như là chuỗi giá trị trong dược liệu, nông nghiệp và du lịch.

Cây dược liệu đang  cần được "bảo tồn"

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng làng công nghệ dược liệu xanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng đánh giá: Sơn La có rất nhiều rừng thiên nhiên, rừng nguyên sinh, các cây dược liệu mọc trong đó rất nhiều. Đó là tài nguyên của Sơn La. Tuy nhiên, tài nguyên này lại đang bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt. Cây dược liệu được đưa vào danh mục những cây hạn chế khai thác.

Con đường tăng giá trị dược liệu ở Sơn La - Ảnh 2.

Tỉnh Sơn La có đến 562 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Mùa Xuân)

"Sơn La là tỉnh trọng điểm phát triển cây ăn quả, việc trồng xen kẽ cây dược liệu dưới tán cây ăn quả có thể thu hoạch rất sớm so với những cây dược liệu trong rừng. Chúng ta thu hoạch đến đâu có kế hoạch bảo tồn đến đấy thì sẽ không dẫn đến tình trạng cạn kiệt" – bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 

Sơn La trở thành một trong 8 vùng quy hoạch trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Phát triển trồng 12 loài dược liệu bao gồm 5 loài bản địa: Bình vôi, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và 7 loài nhập nội: Atiso, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3.150 ha.

Con đường tăng giá trị dược liệu ở Sơn La - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Làng công nghệ dược liệu xanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ về tiềm năng phát triển cây dược liệu ở Sơn La. (Ảnh: Phạm Hoài)

Đến tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17 tháng 03 năm 2021 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để không chỉ dừng lại nguồn vùng dược liệu mà sẽ tập trung vào chế biến sâu, tập trung vào các sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất sống cao để chúng ta có thể xuất khẩu được.

"Sơn La đã bắt đầu trồng theo hướng bảo tồn và phát triển các loại dược liệu như: Cát cánh, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, ích bộ, thất diệp nhất chi hoa, thục linh, thảo quả... Tất cả đều trồng dưới tán rừng, xây dựng nhiều vùng dược liệu lớn, trồng gắn với bảo tồn để không bị cạn kiệt tài nguyên", bà Hương nhận định.

Con đường tăng giá trị dược liệu ở Sơn La - Ảnh 4.

Sâm Ngọc Linh được Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long trồng thành công trên đất Sơn La. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Giai đoạn 2020-2030, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu khai thác 90.400 ha cây thuốc dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây thuốc dưới tán rừng, định hướng đến năm 2030 đạt 50.000 ha. 

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Sơn La sẽ trồng và bảo vệ 20.000 ha cây dược liệu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế; hình thành phát triển trên 5.000 ha vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ các cơ sở sơ chế, chế biến theo chuỗi giá trị và đạt 30.000 ha vào năm 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem