dd/mm/yyyy

Sơn La nỗ lực xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, góp phần tích cực kéo giảm, kiềm chế số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.

Hiện trạng "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT ở Sơn La

Những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ ở tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới giao thông đường bộ phủ kín từ trung tâm tỉnh, huyện đến các xã, bản, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đáp ứng được cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 9.878,3km đường giao thông các loại, trong đó chưa kể các tuyến đường trục bản, ngõ xóm, trục chính nội đồng.

Sơn La nỗ lực xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Sơn La được Bộ GTVT, UBND tỉnh Sơn La giao quản lý 9 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 671,6km và 19 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài là 1.005,4km. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc Sở GTVT Sơn La, cho biết: Với địa hình miền núi như tỉnh Sơn La, trước đây khi thi công các tuyến đường đều có sự châm chước về các yếu tố kĩ thuật. Điển hình nhất là các đường cong mà bán kính không đảm bảo kĩ thuật phải châm chước và độ dốc dọc. Hai yếu tố này hầu như ở tuyến đường nào trong tỉnh cũng có.

Thêm vào đó là nhiều tuyến đường trong tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ nhiều năm nay, nhưng chưa được trung tu, đại tu theo quy định, hiện đang tiếp tục xuống cấp, năng lực lưu thông hạn chế. Sự gia tăng không ngừng của các phương tiện giao thông đã làm ảnh hưởng, nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức giao thông trên các tuyến đường, tạo thành những "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, ảnh hưởng đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Nỗ lực xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

"Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố rà soát, kiến nghị khắc phục các "điểm đen", điểm mất an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh nhằm kéo giảm TNGT. Bên canh đó, Sở cũng chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ thường xuyên kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ; xây dựng biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các đèo dốc nguy hiểm" – ông Chính nhấn mạnh.

Sơn La nỗ lực xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông - Ảnh 2.

Hốc cứu nạn trên Quốc lộ 6 đèo Chiềng Đông. (Ảnh: Thanh Ngân)

Từ tháng 6/2019 đến tháng 10/2020, Sở GTVT Sơn La đã kiến nghị đề xuất và được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt cho phép xử lý 6 điểm đen TNGT trên các tuyến quốc lộ, trong đó: QL6C có 2 dự án (đoạn Km4+00 - Km4+200; đoạn Km38+480-Km38+680); QL37 có 2 dự án (đoạn đèo Cao Đa Km418+050 - Km418+850; đoạn Km444+450 - Km444+850); QL43 có 1 dự án (đoạn thác Dải Yếm Km92+400 - Km 92+800); QL6 có 1 dự án (xử lý cung đường đen TNGT trên QL.6 đèo Chiềng Đông đoạn Km253-Km261).

Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ (trực thuộc Sở GTVT Sơn La) đang triển khai thi công 2 dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cư mất ATGT trên QL37; triển khai thực hiện Kế hoạch bảo trì trong các năm tiếp theo. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, Sở GTVT Sơn La đã xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền, trong đó tiếp tục tập trung, ưu tiên đề xuất đối với các dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn, các dự án bổ sung hệ thống ATGT như hộ lan tôn sóng, biển báo, sơn vạch kẻ đường, nâng cao năng lực khai thác trên các tuyến quốc lộ.

Hiệu quả từ việc xử lý "điểm đen" TNGT

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Chính, các dự án xử lý các điểm đen, cung đường đen TNGT, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT được tổ chức thực hiện và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng đã kịp thời phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Việc xử lý các "điểm đen" điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT còn góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, nâng cao năng lực khai thác của tuyến, được đông đảo người dân ủng hộ, dư luận xã hội ghi nhận, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Sơn La nỗ lực xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông - Ảnh 3.

Việc xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2019-2021, tại 6 điểm đen nêu trên đã xảy ra 46 vụ tai nạn, làm chết 7 người, thương 59 người, hư hỏng 87 phương tiện. Từ khi các dự án thi công xong, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng, không phát sinh thêm vụ TNGT nào xảy ra. Riêng đối với 3 vị trí hốc cứu nạn trên QL6 (đèo Chiềng Đông) đoạn Km253 - Km261 trong quá trình thi công và nghiệm thu bàn giao đã cứu nạn được 3 vụ với 4 ô tô do mất phanh, không gây thiệt hại về người và phương tiện. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định hiệu quả của các dự án xử lý điểm đen mất ATGT.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, góp phần kéo giảm TNGT và kiềm chế không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2023 và các năm tiếp theo Sở GTVT tiếp tục phối hợp cùng các bên liên quan, kiểm tra rà soát, thu thập số liệu hoàn thiện hồ sơ đề xuất Bộ GTVT, UBND tỉnh xem xét xử lý khắc phục các vị trí điểm đen TNGT, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, để triển khai thực hiện theo quy định.

Sơn La nỗ lực xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông - Ảnh 4.

Hốc cứu nạn trên QL6 (đèo Chiềng Đông) đoạn Km253 - Km261 trong quá trình thi công và nghiệm thu bàn giao đã cứu nạn được 3 vụ với 4 ô tô do mất phanh, không gây thiệt hại về người và phương tiện. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác phát quang cây cỏ đảm bảo tầm nhìn, khơi thông, nạo vét cống rãnh, san gạt, bạt, đắp phụ lề đường đảm bảo thoát nước; kịp thời sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường (ổ gà, cao su…); chỉnh trang, nắn sửa toàn bộ hệ thống cọc tiêu, biển báo, cột H, cột Km trên tuyến đảm bảo rõ ràng; rà soát, bổ sung hệ thống biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn đối với tuyến đường có nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là các đoạn tuyến đi qua khu vực đèo dốc.

Thanh Ngân-Phạm Hoài