dd/mm/yyyy

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã chú trọng xây dựng, duy trì và phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua đó, kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho các nông sản thực phẩm của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt, ông Hồ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu: Từ trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Hay nói cách khác đó là từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn này đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm cho toàn bộ chuỗi cung ứng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và cam kết về an toàn thực phẩm. Mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  - Ảnh 1.

Sản phẩm quả nằm trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn được trưng bày tại các gian hàng chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thực hiện Quyết định 3073 ngày 27/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về việc phê duyệt Đề án phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn quốc; Quyết định 1791 ngày 19/5/2015 của Bộ NNPTNT  ban hành chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, những năm qua, Sở NNPTNT tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  - Ảnh 2.

Giai đoạn 2013 – 2016, tỉnh Sơn La duy trì và phát triển 28 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Đến nay, đã tăng lên 159 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 131 chuỗi so với giai đoạn 2013 – 2016).

Theo đó, để tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản, thuỷ sản an toàn, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong sản xuất, tiêu thụ và phát triển các sản phẩm nông sản, thuỷ sản theo chuỗi cung ứng. Cụ thể, như: Quyết định số 810 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; 

Cùng với đó, tỉnh Sơn La còn ban hành Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2021; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La; Quyết định số 443 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ban hành nhiều kế hoạch về phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh…

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  - Ảnh 3.

Việc xây dựng, duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn góp phần liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hồ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, thông tin thêm: Nhờ triển khai, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh, đến nay Sơn La đã phát triển được 159 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn được khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Trong đó, chuỗi cung ứng sản phẩm trồng trọt có 129 chuỗi, gồm: 23 chuỗi rau an toàn với diện tích 141,97ha, sản lượng 6.119 tấn/năm; 98 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, thanh long, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây...), diện tích 1.814,34ha, sản lượng 16.629 tấn/năm; 1 chuỗi cà phê với diện tích 16ha, sản lượng 132 tấn/năm; 7 chuỗi chè an toàn với diện tích 457ha, sản lượng 6,855 tấn/năm.

Chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi có 30 chuỗi, gồm: 3 chuỗi thịt lợn an toàn, quy mô 81.000 con, sản lượng 4,363 tấn/năm; 2 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 18,000 con, sản lượng 27 tấn/năm; 5 chuỗi mật ong an toàn với số lượng 6.790 đàn ong, sản lượng 647 tấn/năm; 20 chuỗi thủy sản nuôi trên 2,917 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng 2.657 tấn/năm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm trong các chuỗi cung ứng này không những đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã tham gia xuất khẩu và chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc…

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  - Ảnh 4.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên của HTX Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ Tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) được sản xuất theo quy trình VietGAP và xuất khẩu sang thị trường Pakistan.

Đạt được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo ngành NNPTNT tỉnh hướng dẫn, vận động, định hướng các HTX, người nông dân đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương. Mặt khác, tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cây trồng, vật nuôi giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sơn La phát triển tốt các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  - Ảnh 5.

HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) liên kết sản xuất theo chuỗi với người nông dân huyện Thuận Châu trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Nga, Trung Quốc.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 583 hợp tác xã nông nghiệp, lâm, thủy sản, có 28 sản phẩm của 18 chủ thể được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Phấn đấu, năm 2020 có thêm 50 sản phẩm OCOP đạt các hạng sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh lên 78 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Toàn tỉnh hiện có 161 vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc, EU...; 21 nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.

Trong năm 2020, tỉnh Sơn La đã duy trì và phát triển 194 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Sơn La tiếp tục duy trì 159 chuỗi cung ứng hiện có. Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương tự. Cùng với đó, là xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và in tem, nhãn điện tử thông minh Qr Code. Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm. Tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản. Hỗ trợ mua bao bì, đóng gói sản phẩm, kiểm tra, thẩm định, lấy mẫu giám sát chuỗi thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm…

Tuệ Linh