Sơn nữ, trai bản xuống phố: Những gia đình trong lán tạm công trường

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 27/12/2017 06:15 AM (GMT+7)
Chuyện vợ chồng làm cùng nhau hết sức bình thường, nhưng để kiếm được đồng tiền, nhiều cặp vợ chồng người dân tộc vùng cao phải đi hết công trình này đến công trình khác. Họ sống chung với những công nhân thợ thuyền khác, trong những ngôi nhà tạm bợ. Nên có nhiều chuyện cười ra nước mắt trong cuộc sống tạm ở những lán công trường.
Bình luận 0

Những tổ ấm trong nhà trọ

Chỗ ở của nhiều người miền núi xuống thủ đô làm công nhân xây dựng nằm trong xóm Gò (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Xóm Gò vốn là một xóm liều, với những khu nhà nhảy dù lấn chiếm, xây dựng tạm bợ hàng chục năm giờ đã xuống cấp.

img

Góc phòng trọ của cặp vợ chồng vùng cao xuống thủ đô làm thuê. Ảnh: G.T

Trong căn phòng khoảng 30m2, hàng chục người đang nằm, ngồi nghỉ dưới sàn nhà. Trên xép lửng có vợ chồng anh Đinh Tiến Thanh (sinh năm 1977) và chị Nguyễn Thị Như (sinh năm 1984), quê Yên Lạng, Thanh Sơn, Phú Thọ. Cả hai anh chị đều là người Mường. Anh Thanh đi theo ông chủ cai lao động có tên là Hạ đã được 4 năm. Còn chị Như, cứ chồng đi làm công trình nào thì ngoài quần áo theo chồng, chị còn mang theo một đống “phụ kiện”, là các tấm vải để căng kín làm thành tổ ấm của hai vợ chồng.

Anh Thanh cho biết: “Mọi người ở đây đều là thợ thuyền, thành phần cũng đa dạng. Thanh niên mới lớn có, trung niên cũng có. Đa số là sống xa gia đình, tình cảm vợ chồng thiếu thốn, nên những cặp vợ chồng chúng tôi cũng phải kín đáo, tránh để xảy ra những điều bất tiện hay đáng tiếc. Chuyện vợ chồng muốn tâm sự mà vội vàng như đi ăn trộm”.

"Ở đây có nhiều dân tộc khác nhau quá, có người còn không biết nói tiếng phổ thông, nên thỉnh thoảng cũng bất đồng ngôn ngữ với nhau một tí. Tuy chưa có đánh nhau, vì người đồng bào hiền lành, nhưng cãi nhau cũng đã xảy ra, vì ở đông quá mà nhà bé quá thôi”.

Lò Văn Khánh

Hiện anh chị có một con gái 13 tuổi gửi ông bà để bố mẹ đi làm. Nói về con gái đang đến tuổi dậy thì, chị Như cho biết: “Cũng lo cho con lắm, nhưng nếu mẹ ở nhà với con thì chẳng có ruộng có đồi để mà làm, không có tiền chi tiêu.Vì cuộc sống mà hai vợ chồng phải chấp nhận xa con, đi làm thuê quần quật ở những công trường xây dựng để cuối năm có chút vốn đem về quê xây nhà, xây cửa”.

Cũng trong tình trạng lập một tổ ấm riêng trong nhà trọ công nhân là cặp vợ chồng chị Hà Thị Vui và anh Đường Văn Út (ngưới Thái ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Chị Vui tâm sự: “Ngoài những chuyện tế nhị và khó nói trong sinh hoạt vợ chồng như những cặp vợ chồng khác cùng cảnh ngộ, ở đây lúc nào cũng có đến hàng chục người cùng ăn cùng ngủ. Điều kiện ăn ở quá tải dẫn đến tình trạng mất vệ sinh kinh khủng. Người nào cũng bị dị ứng, mẩn ngứa toàn thân”. Kinh khủng nhất vẫn là mùi từ nhà vệ sinh đưa vào trong nhà, khiến cho những người công nhân ở đây cứ về lán trại nghỉ ngơi lại bị tra tấn bởi mùi xú uế.

 Nơi ở cười ra nước mắt

Ngôi nhà tạm bợ 40m2 là nơi trọ của hàng chục người Khơ Mú, người Mông, người Mường và người Thái, nói đủ thứ ngôn ngữ. Lò Văn Khánh  (21 tuổi), người Khơ Mú, xuống Hà Nội được 5 tháng, cho hay: “Ở đây việc đi vệ sinh vào sáng sớm rất bất tiện, mọi người phải ra công trường lúc 6h sáng nên hôm nào cũng phải xếp hàng đi vệ sinh. Trong nhà có cả nam và nữ, nhiều khi những người chưa có vợ như bọn em ngượng lắm. Có những chú lớn tuổi không đợi được đến lượt phải đi vệ sinh ra túi bóng rồi ra thùng rác công cộng vứt”.

Khánh tâm sự tiếp: “Khổ nhất là hôm nào các anh, các chú có vợ xuống chơi. Thường thì có khoảng gần chục các cô, các chị ở Thuận Châu, Sơn La. Cứ 2 tháng họ xuống đây thăm chồng một lần khoảng 10 ngày… Có những hôm đi làm ở công trường cả ngày về đã mệt, gặp các cô, các chị xuống thăm chồng đúng là khó ngủ vô cùng, chỉ biết cười ra nước mắt mà thôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem