dd/mm/yyyy

Sông Nhuệ bị bức tử bởi rác

Hàng tấn rác thải ùn ứ, tràn cả xuống lòng sông, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân ở hai bên bờ khu vực sông Nhuệ (Hà Nội).

Đoạn sông Nhuệ chảy qua cầu Kiến Hưng (Hà Đông) đang trở thành nơi chứa rác. Hàng chục tấn rác thải ùn ứ nơi đây đang từng ngày bức tử con sông này.


Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng rác thải đổ tràn lan dọc bờ sông đã có từ lâu và các bãi rác này ngày càng lớn dần, lan cả xuống lòng sông. Mặc dù được dán khá nhiều biển cảnh báo nhưng nơi đây vẫn ngập tràn rác thải, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Nơi đây trở thành điểm đen về rác thải không chỉ của phường Phúc La, Kiến Hưng mà của cả quận Hà Đông.


Khu vực ô nhiễm với đủ các loại rác thải từ sinh hoạt, công nhiệp, nông nghiệp... trải dài cả km.


Theo những người dân sinh sống quanh khu vực này, tình trạng rác thải xâm lấn đã diễn ra trong thời gian dài nhưng gần đây số lượng rác thải đổ trộm tăng đột biến, đặc biệt là về đêm.


Còn đối với những người dân đi qua đây không chỉ ngán ngẩm với mùi hôi thối từ nước sông ô nhiễm, nay thêm cảnh rác thải bủa vây khiến ai cũng cảm thấy ái ngại.


Nước sông luôn có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.


Tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực.


Bà Hoàng Thị Mai cho biết: "Khu vực này từ lâu đã bị ô nhiễm, trước đó dòng sông này còn phủ kín rác nhưng vừa cách đây mấy ngày có người xuống sông dọn dẹp nên nhìn mới được thông thoáng. Chúng tôi đều cảm thấy rất lo sợ bởi ô nhiễm môi trường sẽ kéo theo dịch bệnh”.


Rác thải xen lẫn cây bèo tạo thành lớp sình lầy dày đặc phủ kín phía trên mặt nước

.

Những tòa nhà chung cư hiện đại ở gần sông Nhuệ dường như "lạc nhịp điệu" với tình trạng môi trường sống ô nhiễm nơi đây.


Tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ mặc dù đã được cải thiện tuy nhiên đây chỉ là những biện pháp tức thời. Người dân sinh sống hai bên bờ sông Nhuệ vẫn mong mỏi, chờ đợi một giải pháp thực sự hiệu quả, mang tính bền vững để chấm dứt cảnh sống chung với rác.


Phạm Hưng