dd/mm/yyyy

Sốp Cộp xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, vì vậy, những năm qua, huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã và đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Là huyện biên giới cách thành phố Sơn La 130 km, dân cư chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số với phương thức canh tác lạc hậu nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Để thay đổi phương thức canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Sốp Cộp luôn chú trọng việc XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sốp Cộp hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa nếp tan góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thông qua nguồn lực từ Chương trình NTM, 30a, 135, Sốp Cộp đã xây dựng nhiều đề án, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Sốp Cộp đã triển khai thực hiện được 3 mô hình: Mô hình nuôi ngựa bạch tại xã Sốp Cộp, mô hình trồng cây ăn quả tại xã Mường Và, mô hình trồng cây chanh leo tại xã Sốp Cộp và xã Dồm Cang.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, bước đầu đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như vùng sản xuất lúa, vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng cây công nghiệp cà phê tập trung tại xã Dồm Cang. 

 Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, năm 2018, Sốp Cộp trồng mới được 366,5 ha cây ăn quả các loại. 

Trong năm 2018, huyện Sốp Cộp đã tổ chức Lễ công bố Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan và Lễ hội mừng cơm mới năm 2018. Việc công bố Nhãn hiệu cho sản phẩm đặc sản nếp tan Mường Và giúp quảng bá thương hiệu, thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh đến tham quan trao đổi và ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nếp tan Mường Và để nâng cao thu nhập cho bà con.

 Mô hình ngựa bạch của của HTX Nậm Ban, xã Sốp Cộp.

Trong lộ trình tiếp theo, huyện sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh kết nối với những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của huyện Sốp Cộp, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đã được bảo hộ hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực, năm 2018, huyện Sốp Cộp đã tham gia Hội chợ Thương mại – Du lịch Xuân 2018 tại thành phố Sơn La; tham gia Tuần lễ hội nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại siêu thị Big C Thăng Long, tại Trung tâm xúc tiến thương mại – Bộ NN&PTNT, tại huyện Mộc Châu; tổ chức Hội chợ thương mại huyện Sốp Cộp tại huyện Sốp Cộp; lồng ghép vào ngày tổ chức Lễ công bố Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và – Sốp Cộp”, 8/8 xã tham gia hội thi các sản phẩm chủ lực của địa phương. 

 Huyện Sốp Cộp tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như cam, quýt.

Để liên kết người dân trong tổ chức sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đến nay số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Sốp Cộp là 17 HTX. Trong đó, 1 HTX nhãn; 4 HTX cam, bưởi; 1 HTX xoài; 2 HTX chăn nuôi và 9 HTX chăn nuôi khác.

 Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Khi đời sống của người dân được nâng lên bà con tích cực đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Để nâng cao nhận thức của người dân, công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được Sốp Cộp quan tâm. Năm 2018, Sốp Cộp đã mở 5 lớp với 175 người tham gia (kỹ thuật trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Dồm Cang, Mường Và với 2 lớp, 70 người; kỹ thuật nuôi trâu bò trên địa bàn xã Sốp Cộp, Mường Và 2 lớp, 70 người; kỹ thuật trồng rau an toàn trên địa bàn xã Sốp Cộp 1 lớp, 35 người).

Trong năm 2019, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP để từng bước mang lại sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Sốp Cộp.

 
Tuệ Linh