Sự minh bạch đang... thụt lùi

Mai Hương Thứ ba, ngày 23/06/2015 09:37 AM (GMT+7)
Tính minh bạch trong việc soạn thảo các văn bản pháp luật về kinh doanh của các bộ ngành đang có dấu hiệu thụt lùi, thậm chí là không có. Hầu hết các doanh nghiệp (DN), hiệp hội không được lấy ý kiến, không được biết và không được tham gia vào quá trình soạn thảo ra các văn bản pháp luật về kinh doanh của các bộ ngành hiện nay…
Bình luận 0

Đây là nhận định tại hội thảo công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2014 (gọi tắt là Mei 2014) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều 22.6.

3 không với doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thu Trang- Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, Mei 2014 cho thấy một bức tranh nhiều hy vọng bởi nhìn vào điểm số của 4/5 mảng hoạt động của các bộ ngành đều có sự tăng điểm, tức có sự cải thiện rộng khắp. Tuy nhiên, trong 5 chỉ số tính điểm xếp hạng của các bộ thì cũng chỉ có một mảng hoạt động đạt điểm khá, còn lại vẫn chỉ là điểm trung bình khá. Điều này cho thấy trong việc ban hành và thực thi pháp luật về kinh doanh, các bộ ngành đang cần phải cố gắng rất nhiều mới đạt được như kỳ vọng của DN.

img
Bộ TNMT có mức xếp hạng thấp ở cả 5 chỉ số đánh giá Mei 2014.    Ảnh: Trụ sở Bộ TNMT tại Hà Nội. Ảnh:  T.L
Nếu như tổ chức thi hành pháp luật của các bộ có điểm số đánh giá tốt nhất, cao nhất thì mảng tối của Mei 2014 lại là tính minh bạch, dù minh bạch đang là vấn đề các bộ quan tâm cải cách. “Minh bạch trong soạn thảo văn bản pháp luật của các bộ ngành đã không được cải thiện, thậm chí đang bị xói mòn- bà Trang nói. Hầu hết các DN, hiệp hội được khảo sát cho biết, họ bị “3 không” - không được lấy ý kiến, không được biết và không được tham gia vào quá trình soạn thảo ra các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ do các bộ ngành xây dựng”.

 

“Dường như các bộ đều sợ các dự thảo văn bản pháp luật mà mình đang xây dựng đưa lên thì ai cũng biết, sợ sức ép của dư luận khi họ đề cập đến các dự thảo trong khi trách nhiệm của các bộ trong vấn đề này lại chưa rõ ràng. Thậm chí, bản thân các bộ cũng chưa có thiện chí để lấy ý kiến khi soạn thảo các văn bản”-bà Trang phân tích.

Còn lơi là, không cải cách

Về mảng này, theo báo cáo Mei 2014 thì có tới 6/14 bộ xếp hạng có điểm dưới trung bình, ngay bộ đứng đầu là Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ có điểm trung bình khá; có bộ còn giảm điểm (thụt lùi) so với Mei 2012 là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Bộ NNPTNT tăng 5 bậc nhưng là do các bộ khác giảm điểm chứ không phải do bộ này đã có cải cách vược bậc gì. “Minh bạch đang là vấn đề đáng ngại của hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh. Điều này cũng cho thấy, sự minh bạch đang bị các bộ ngành lơi là, không cải cách. Nếu điều này tiếp diễn thì rất nguy hiểm vì làm xói mòi hiệu quả cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thời gian qua”- ông Trần Hữu Huỳnh- Trưởng nhóm nghiên cứu Mei của VCCI nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng lo lắng rằng: “Năng lực thể chế của Việt Nam đang không đủ để cho các DN vươn lên, cạnh tranh khi hội nhập ngày càng sâu rộng”. Bà Lan nói: “Ý tưởng chính sách đầu tiên đều từ các bộ mà ra, nhưng thử hỏi bao nhiều phần trăm trong đó là có sự quan sát cuộc sống để bật ra các chính sách, bao nhiêu phần trăm là từ thực tiễn cuộc sống và chính sách gì cần cho xã hội được các bộ chủ động ban ra?”. Theo bà Lan, ngay trong nội bộ của các ngành, thông tin chính sách còn kém. Nhiều địa phương không biết thông tin chính sách của chính ngành mình dẫn đến nhận thức khác nhau, thi hành khác nhau và DN, người dân ở giữa là gánh chịu hậu quả về sự bất nhất này của các chính sách đã ban ra.

Bà Lan nêu thực tế rằng, các DN triền miên kêu chính sách bất cập từ năm này sang năm khác vẫn chưa thấy có sự thay đổi căn bản, là điều mà các bộ cần suy nghĩ. “Môi trường kinh doanh thay đổi hàng ngày nên không cho phép các bộ kéo quá dài việc ban hành chính sách, để rồi chính sách ban ra nhiều khi không đi được vào cuộc sống hoặc vừa ban ra đã trở nên lỗi thời”- bà Lan nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, các bộ cần cải thiện hơn nữa tính minh bạch trong việc đưa ra các văn bản pháp luật. “Tham vấn người dân, DN là để có các chính sách chất lượng, đưa được cuộc sống vào luật. Các bộ cần tránh hỏi nhưng không nghe. Tôi cho rằng, cán bộ nhà nước ăn lương là để nghe, đã làm luật là phải chịu khó nghe để tối thiểu hóa sự thua thiệt cho các đối tượng của chính sách, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội”-ông Thắng nói.

 Sự tăng điểm ấn tượng nhất của Mei 2014 thuộc về Bộ Giao thông -Vận tải. Một số bộ luôn có mức xếp hạng thấp ở cả 5 chỉ số đánh giá là Bộ Y tế, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Tài nguyên- Môi trường, Xây dựng…  

 Mei 2014 đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới DN dựa trên phản hồi điều tra của 288 hiệp hội DN cả nước, đại diện cho trên 409.000 DN, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc. Mei 2014 gồm 5 chỉ số đánh giá: Soạn thảo văn bản pháp luật, chất lượng văn bản pháp luật, công khai thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cuối cùng là rà soát kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem