Sự thật về cá tra "triệt" đường vào Mỹ: Vĩnh Hoàn vẫn "chơi" được

Thuận Hải Thứ hai, ngày 31/07/2017 19:02 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp đang lo ngại cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị ùn ứ vì chịu tần suất kiểm tra 100% lô hàng. Hiện tại, dù Mỹ chưa chính thức thực hiện Bộ luật Farm Bill nhưng đã có hàng trăm container bị “mắc kẹt” do không kịp kiểm tra, thông quan. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn khẳng định, họ vẫn đủ đáp ứng yêu cầu này.
Bình luận 0

Kiểm tra gắt gao

Như NTNN/Dân Việt đã thông tin, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo, từ ngày 2.8.2017 sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này. Quyết định của USDA căn cứ vào chương trình thanh tra cá da trơn (hay còn gọi cá thuộc bộ Siluriformes) theo Đạo luật Farm Bill.

img

Nuôi cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL. Ảnh: T.H

Nhu cầu cá tra tại Mỹ vẫn cao

Theo VASEP, nhu cầu cá da trơn tại Mỹ thời gian gần đây vẫn ở mức cao, tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này. Hiện tại, cá rô phi Trung Quốc là sản phẩm đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của cá tra Việt Nam tại Mỹ.

Theo đó, tất cả các lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ sẽ được cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS, thuộc USDA) thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house). Như vậy, cùng với việc phải chịu mức thuế chống bán phá giá khá cao, các doanh nghiệp lo ngại chi phí kiểm hàng, lưu kho khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng lên.

Các lô hàng này sau đó sẽ được lấy mẫu kiểm tra các tiêu chí như sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, riêng nhóm hóa chất, kháng sin,h FSIS kiểm nghiệm đa dư lượng 108 chất nhóm thuốc bảo vệ thực vật, 89 chất kháng sinh, 17 kim loại và 4 chất nhóm thuốc nhuộm.

Điều khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ lo lắng hơn nữa là hiện tại liệu năng lực các kho lạnh được USDA chỉ định có đáp ứng được nhu cầu của các nhà xuất khẩu hay không?

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện ở Mỹ chỉ có 40 i-house được USDA chỉ định, nằm ở các bang khác nhau, nhưng chỉ có một số kho làm dịch vụ hoàn toàn, nhiều i-house trước giờ chỉ chuyên về thịt hoặc các sản phẩm đông lạnh khác. Do vậy, có thể xảy ra tình huống những i-house này không tiếp nhận các lô hàng cá tra xuất khẩu.

Bà Trương Thị Lệ Khanh  - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cũng cho rằng, điều kiện cơ sở hạ tầng của Mỹ hiện vẫn chưa có đủ khả năng để thực thi theo chính sách này. Một số i-house được chỉ định vẫn đang còn trong quá trình xây dựng. Nếu thực thi giám sát nhiều khả năng sẽ xuất hiện tình trạng ùn ứ ngay lập tức.

Đã xảy ra chuyện “kẹt” container?

Thấy trước được mối nguy này, hồi cuối tháng 4, Bộ NNPTNT cũng đã ra quy chế áp dụng chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chứng nhận an toàn thực phẩm đối với 100% lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes-cá tra xuất khẩu vào Mỹ, thời gian áp dụng từ ngày 17.4 đến hết ngày 31.8.2017.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, dù “lệnh” kiểm tra các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ (tăng từ 2% lên 100%) chưa chính thức có hiệu lực, song hiện tại đã xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa khi các doanh nghiệp không tìm được i-house thuận tiện cho việc lưu kho, kiểm tra hàng hóa.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, hiện tại, cả 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ bị ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển. Cụ thể, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông có đến 300 container bị “mắc kẹt”, chưa được thông quan; Vĩnh Hoàn bị “kẹt” 140 container, trong khi “ông lớn” Hùng Vương cũng có 100 container chưa thể thông quan vào Mỹ.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, hiện tại, do việc tăng tần suất kiểm soát các lô hàng chưa chính thức triển khai nên các doanh nghiệp cũng chưa nắm được thêm tình hình cụ thể. “Hai năm qua, các doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ cho việc đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Farm Bill, tuy nhiên, biện pháp tạm thời là tạm ngừng đưa hàng đi để  nghe ngóng thêm” - ông Hòe nói.

Trong khi đó, dù ngày triển khai việc tăng tần suất kiểm tra các lô hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ đã cận kề, thông tin này cũng không khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng. Nguyên nhân là tới thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 doanh nghiệp đủ sức xuất khẩu cá tra vì Mỹ, vì mức thuế chống bán phá giá quá cao.

“Trên danh nghĩa có 62 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng trên thực tế, mức thuế chống bán phá giá quá cao, lại thêm việc kiểm tra gay gắt, kéo dài khiến chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển đội lên, hầu hết các doanh nghiệp không chịu nổi, phải bỏ thị trường”- ông Hàng Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết.

Dù vậy, theo xác định của Bộ NNPTNT, Mỹ vẫn là thị trường chính của cá tra Việt Nam. Hơn nữa, dù chỉ còn 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng khối lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm, chiếm 20 - 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Do đó, hướng tiếp cận sẽ là vừa hợp tác, vừa đấu tranh đồng thời, tập trung rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem