Sướng như bò (?!!)

Nguyễn An Thanh Thứ bảy, ngày 25/07/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ngày xưa, bọn trẻ ở Nghệ An quê tôi vẫn thường ước ao được "sướng như vua", nhưng nay, với dự án xây chuồng bò cho người Ơ Đu, thì mọi chuyện đã khác.
Bình luận 0

Cuối tháng 12 năm ngoái, sau khi dự án "nhà ở cao cấp dành cho bò" ở Tương Dương hoàn thành và bàn giao đi vào sử dụng, người dân xứ Nghệ lại nói "sướng như bò". Phần lớn người dân ở huyện Tương Dương (Nghệ An) nói chung và ở ở bản Văng Môn, xã Nga My nói riêng vẫn phải ở nhà tranh tre vách nứa, chưa được xây dựng kiên cố thì "nhà của bò" đã được xây dựng theo tiêu chuẩn "biệt thự".

Đồng bào người Ơ Đu vẫn ước ao, sau khi xây dựng 67 chuồng bò thì Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng nơi ở theo quy hoạch lâu dài cho đồng bào dân tộc ít người nơi đây tốt hơn dự án "nhà ở cao cấp dành cho bò" như vừa triển khai. Tiêu chuẩn diện tích ở của mỗi chú bò dự án hơn 30m2, cao hơn rất nhiều người chủ hàng ngày chăm sóc nó.  

Có thể đây là một dự án nhằm mục đích trang bị cần câu chứ không phải cho người nghèo con cá, xong liệu cách thực hiện đã hợp lý hay chưa?

Là một tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ đáp ứng được 50% chi thường xuyên, nhưng UBND tỉnh Nghệ An vẫn quyết định hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng. Công trình này do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, Công ty Nam Lộc (có trụ sở tại TP Vinh) thi công. 67 "nhà ở cấp cao cho bò" được phân ra 3 loại, trong đó thấp nhất trên 100 triệu và cao nhất 236 triệu mỗi chuồng bò.

Tôi cho rằng, việc xây các chuồng bò với giá thành và thiết kế như hiện nay là nhằm mục đích lâu dài, để con bò có chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo hợp vệ sinh chuồng trại, có thể chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của miền núi.

Sướng như bò (?!!) - Ảnh 2.

Chuồng bò được xây kiên cố ngay cạnh nhà ở của người Ơ Đu tại Nga My, Tương Dương.

Như thông tin đã được đăng tải rộng rãi, các chuồng được xây dựng kiên cố, lợp tôn chống nóng, tường xây dày 20cm, có gác lửng thiết kế bằng lưới B40 để cất trữ cỏ, bạt cuốn chống nóng mùa hè, che lạnh vào mùa đông, nôm na là giữ cho nhiệt độ chuồng bò được bảo đảm đúng quy định quanh năm, hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của khu vực.  

Điểm khác biệt nữa chính là hệ thống xử lý chất thải rắn  và nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày cho những chủ nhân "nhà ở cao cấp". Thiết kế có hệ thống bình chứa nước, ống dẫn nước và một vài giếng khoan, cung cấp nguồn nước để vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra mỗi chiếc chuồng bò đều được sắm thêm những chiếc máy cắt cỏ. Chỉ có điều oái oăm đã từ lâu những chiếc máy này đã không còn hoạt động do cỏ của nhà nước cấp phát để trồng không đủ và đã chết hết.

Sẽ rất tốt khi dự án hướng tới mục đích đảm bảo bò sống và lớn được, không bị chết do vệ sinh hay thiếu thức ăn hay điều kiện khí hậu, từ đó tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân. 

Nhưng còn những câu hỏi mà dư luận mong được trả lời. Ông Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nuôi trâu bò mà đầu tư cho hộ gia đình dân tộc miền núi như thế thì không ổn, "bởi đó là đầu tư theo mô hình trang trại, quy mô công nghiệp. Đối với bà con ở miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thì rất khó áp dụng và có phần lãng phí". Cục chăn nuôi quy định mỗi chú bò cần 4m2, ở đây chuồng bò 30m2 thì chắc chắn là không hợp lý.

Ngoài ra, còn những tranh luận về giá thành. Xây dựng ở miền núi, công cán cao hơn, vật liệu phải vận chuyển hàng chục km mới đến nơi, chắc chắn giá thành sẽ cao hơn, nhưng ngay cả như vậy, nhiều người am hiểu về xây dựng đã cho rằng, chỉ cần không quá 50% số tiền nêu trên, công trình đã được hoàn thành.  Vả lại, đã có những so sánh, nhà ở cho người nghèo ở Nghệ An được xây dựng chỉ với kinh phí từ 20 – 70 triệu đồng, thì con số 236 triệu cho mỗi gian biệt thự của bò có phải con số hợp lý, có là con số thực?

Đến giờ thì cơ quan điều tra đã bắt giam 2 cán bộ Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án. Ngoài ra cơ quan công an cũng thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là nhà thầu thực hiện một số hạng mục trong Đề án phát triển - kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu.

Nghĩa là đã có những dấu hiệu sai phạm từ đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho người Ơ Đu ở Nghệ An. Mỗi lần nghe về việc tham ô, tham nhũng, người dân rất phẫn nộ, nhưng tham ô tham nhũng của người nghèo thì càng khiến chúng ta đau lòng và giận dữ hơn. Thật sự bức xúc khi nhìn những nếp nhà rách nát, những phòng học nền đất, bàn ghế xiêu vẹo, những đứa trẻ quần áo sơ sài… để cho một vài cá nhân bỏ túi riêng. Sự tham lam, vô trách nhiệm của những cá nhân như thế sẽ kéo lùi phát triển, biết bao giờ đời sống của người dân mới được cải thiện, chưa nói là tiến kịp miền xuôi.

Vì thế, những kẻ nào làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước cần được tiếp tục lôi ra ánh sáng và chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem