Sụp đổ trong đại dịch Covid-19, "vàng đen" sẽ khó về âm lần nữa?

30/05/2020 18:35 GMT+7
Tính tới thời điểm hiện tại, những yếu tố dẫn đến giá dầu về âm đang có những sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn tháng 4/2020. Do đó, giá dầu thô sẽ khó về âm lần nữa, dù vậy, về lý thuyết thì điều đó vẫn có khả năng xảy ra.

Đó là nhận định của Tiến Sĩ (TS) Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tại buổi thảo luận trực tuyến với công chúng về chủ đề: Sự sụp đổ của giá dầu thô trong đại dịch Covid-19.

Sự sụp đổ của giá dầu thô trong đại dịch Covid-19

Các kết quả thực nghiệm của TS. Lê Thái Hà chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã góp phần đáng kể vào sự sụp đổ của giá dầu và tác động dài hạn.

Trên thực tế, nhu cầu dầu toàn cầu đã trải qua một cú sốc chưa từng có do lệnh phong tỏa của các nước trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhưng nguồn cung lại tăng mạnh do việc Ả Rập Xê Út đã khởi xướng một cuộc chiến giá dầu rầm rộ vào ngày 08 tháng 3 năm 2020. Điều này đã tạo nên "tổn thương kép" khiến việc giá dầu lao dốc trong thời gian ngắn.

Đáng chú ý, sự đầu cơ trên thị trường tài chính của dầu thô WTI là một yếu tố quan trọng đẩy dầu WTI về mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Hợp đồng tương lai giao tháng 5 của WTI đã giảm hơn 300% xuống mức âm 37,63 đô la một thùng vào thứ Hai (20 tháng 4 năm 2020).

Dù vậy, TS. Thái Hà lưu ý rằng, việc giá dầu về âm chỉ diễn ra trong một ngày. Sau ngày thứ Hai đen tối với mức giá giảm mạnh nhất trong lịch sử (hơn 300%), giá dầu đã quay đầu về dương trở lại 1 ngày sau đó (Thứ Ba 21/04/2020).

Cụ thể là hợp đồng tương lai WTI giao tháng 5 đã hết hạn giao dịch và đóng cửa ở mức giá 10,01 đô la một thùng, tương ứng với mức tăng 126,6% sau một ngày, cũng là mức tăng giá trong ngày lớn nhất lịch sử. Điều này nói lên dầu thô vẫn được xem là một mặt hàng hấp dẫn (được gọi là "vàng đen") và có tiềm năng với rất nhiều người mua cũng như các nhà đầu tư trên thị trường.

Đến nay, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở ngưỡng 35,32 USD/thùng - tăng 4,78% trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu Brent dừng ở mức 35,33 USD/thùng - tăng 0,11%.

Như vậy, cả WTI và Brent đều đánh dấu tháng tăng mạnh nhờ sản lượng dầu thế giới giảm và dự đoán về tăng trưởng nhu cầu khi các bang của Mỹ, bao gồm New York và một số quốc gia khác tiến hành mở cửa trở lại sau các lệnh phong toả chống dịch bệnh.

Với những diễn biến hiện tại, theo nhìn nhận của TS. Hà, những yếu tố dẫn đến giá dầu về âm đang có những sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn tháng 4/2020. Sự thay đổi này theo TS. Hà đến từ cả phía cung lẫn phía cầu.

"Về phí cung, những nỗ lực cứu vớt giá dầu của OPEC+ đã ghi nhận những thành công bước đầu khi cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út đã chính thức kết thúc cũng như những thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô trong liên minh OPEC+ đã đạt những cột mốc ấn tượng trong lịch sử. Điều này góp phần khiến giá dầu hồi phục 60% trong ba tuần qua.

Về phía cầu, một vài nước đã dần gỡ bỏ các lệnh phong tỏa nên các nền kinh tế cũng dần đi vào hoạt động trở lại, dẫn đến nhu cầu dầu thô tăng dần lên. Do đó, chúng ta đã có sự cân bằng hơn về cung-cầu trên thị trường dầu thô quốc tế. Về yếu tố đầu cơ, các nhà đầu cơ trên thị trường dầu thô tương lai đã có tâm lý thận trọng hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây vài tháng", TS. Hà phân tích.

Do đó, giá dầu thô sẽ khó về âm lần nữa, dù vậy vị TS này nhấn mạnh thêm, về lý thuyết thì điều đó vẫn có khả năng xảy ra, do hai yếu tố.

Thứ nhất, dịch Covid-19 hoàn toàn có thể bùng phát mạnh trở lại và các lệnh phong tỏa kinh tế sẽ được áp đặt trở lại – điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dầu thô.

Thứ hai, sẽ phải mất thời gian để có thể tăng dung lượng lưu trữ dầu thô trên phạm vi toàn cầu. Nếu không có các thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+, các kho lưu trữ dầu thô có khả năng sẽ bị lấp đầy trong thời gian vài tuần. Nói như vậy, không có nghĩa là việc cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ giúp giải quyết ngay được vấn đề này, nó chỉ khiến quá trình này chậm lại.

Tác động tới Việt Nam

Sụp đổ trong đại dịch Covid-19, "vàng đen" sẽ khó về âm lần nữa? - Ảnh 2.

Giá dầu thô sẽ khó về âm lần nữa, dù vậy, về lý thuyết thì điều đó vẫn có khả năng xảy ra.

Về tác động của khủng hoảng giá dầu thô tới Việt Nam, TS. Thái Hà nhận định, do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, giá dầu sụt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ, bao gồm cả khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Giá dầu thô giảm tác động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp, giúp làm giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước, hạ chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Nhóm vận tải được hưởng lợi lớn nhất do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí vận tải. Việc giảm chi phí vận chuyển này giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng mở cửa hơn với khu vực và thế giới qua việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương gần đây.

Ngoài ra, giá dầu thô giảm giúp số đông người dân có thể tiết kiệm được chi phí đi lại, từ đó tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, tạo cơ hội thúc đầy nền kinh tế.

Thêm vào đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và hấp dẫn các hoạt động đầu tư. Giá dầu thô giảm mạnh cũng làm giảm việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, gas và các sản phẩm khác từ hóa dầu, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS. Thái Hà, phần lớn những tác động tích cực này sẽ chỉ trở thành hiện thực và đáng kể nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được hoạt động kinh tế an toàn trong mùa dịch.

Về tác động tiêu cực, TS. Thái Hà cho biết giá dầu thế giới giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm. Cũng phải nói thêm rằng, những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước ta vốn cũng đang có chiều hướng giảm mạnh, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ dầu thô cho ngân sách nhà nước đã đang trên đà đi xuống mạnh. Vì vậy, tác động tiêu cực này có lẽ cũng không quá đáng kể.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhóm cổ phiếu doanh nghiệp ngành dầu khí có thể đi xuống (hoạt động thu hút đầu tư cho nhóm ngành này sẽ giảm đi).

Đặc biệt, TS. Thái Hà cho rằng giá dầu thấp đe dọa sự ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ – ngành dự kiến vẫn là một phần thiết yếu trong hoạt động của nền kinh tế không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục