Tái cơ cấu trách nhiệm

Thứ tư, ngày 16/03/2011 14:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở Phú Thọ, điện cắt ngày chẵn. Ở Đồng Nai, điện cắt ngày lẻ. Có tỉnh thì cắt điện ban ngày. Tỉnh khác thì cắt ban đêm. Có lẽ vì là "tỉnh lẻ chân đất" nên ít có nhu cầu? Hay vì là "dân quê cổ ngắn" nên ngành điện cắt bừa?
Bình luận 0

Mùa khô năm nay điện sẽ thiếu 2 tỷ, hay 3 tỷ kWh? Có lẽ cả EVN lẫn Bộ Công Thương đều chưa thể đưa ra con số chính xác. Chỉ biết là chưa đến mùa khô thì điện đóm ở hầu hết các tỉnh đã rơi vào tình cảnh cắc bụp cắc xoè. Cứ nhìn vào động thái của EVN thì biết chắc mùa khô năm nay điện sẽ thiếu trầm trọng như thế nào.

Cách đây hai hôm, chủ động một cách bất thường, thông tin Trung Quốc đòi tăng 15% giá bán điện cho Việt Nam được tung ra hầu hết các báo. Mà Trung Quốc là gì? Là hơn 4,6 tỷ kWh, là điện cho ngót chục tỉnh miền Bắc. EVN cho biết là họ chưa đồng ý , chưa chấp nhận với giá mới, nhưng rõ ràng quyền mặc cả thuộc về người mua, còn chuyện có chấp nhận hay không, lại là quyền của người bán.

Còn nhớ năm ngoái, giá điện "bạn" bán cho ta cũng đã tăng thêm 12%. Vả lại trong thực tế, "bạn" cũng đã từng chứng tỏ cái quyền của người bán: Vào tháng 3.2010, đúng lúc các nhà máy thuỷ điện miền Bắc "rớt xuống mực nước chết" thì "bạn" tạm ngưng cấp điện với lý do lãng xẹt là… bảo trì đường dây.

Không ai có thể chắc rằng tình cảnh đó không lặp lại vào mùa khô năm nay.

Sự tầm gửi - hay lệ thuộc, chỉ là một nguyên nhân khiến EVN không thể chủ động nguồn điện. Nguyên nhân thứ hai: Tính con buôn trong những cái đầu EVN đã làm lãng phí một nguồn điện quan trọng: Các thuỷ điện nhỏ. Tuần rồi, các thuỷ điện nhỏ ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đồng loạt la làng vì câu chuyện có điện rồi nhưng không thể bán lên lưới của EVN vì... quá tải đường dây.

Trước Đăk Ne, hàng chục thuỷ điện nhỏ cũng "kêu cứu" vì làm ra điện nhưng không có dây để bán. Chẳng hạn như Lào Cai- vương quốc của thuỷ điện. Hơn 100 nhà máy thuỷ điện đã ngóng… dây, đã trông vào lời hứa của EVN suốt từ năm 2004.

Người ta hẳn sẽ lại nói đến câu chuyện tái cơ cấu, đến thuật ngữ "thị trường phát điện cạnh tranh" và tất nhiên là cả chuyện tăng giá điện- trước sức ép của "bạn" chẳng hạn, trong mùa khô năm nay. Nhưng cái cần tái cơ cấu đầu tiên có lẽ phải là trách nhiệm của ngành độc quyền này khi họ luôn sẵn sàng chấp nhận sự lệ thuộc, trong khi quá thiếu trách nhiệm với những gì họ cho là chưa cần thiết.

Điện đã tăng 15,28% từ 1.3. Nhưng nếu có tăng tới 60%, thì với cách quản lý như hiện nay, mùa khô chắc chắn sẽ vẫn mãi là cơn ác mộng đối với dân chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem