Tái đàn khi dịch bệnh chưa qua

Thứ hai, ngày 23/08/2010 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ tháng 5 - 2010, dịch lợn tai xanh (DTX) bùng phát ở 4 xã, thị trấn huyện Tân Lạc, Hòa Bình, làm chết hàng trăm con lợn. Đến nay, tuy dịch không còn lây lan, nhưng nguy cơ tái dịch vẫn còn.
Bình luận 0
img
Nhiều hộ đã tái đàn dù dịch tai xanh chưa dứt tại Hòa Bình.

Hiện có tới hơn một nửa đàn lợn của tỉnh Hòa Bình vẫn chưa được tiêm phòng, trong khi nhiều người đã vội vã khôi phục đàn lợn.

Đâm lao đành phải theo lao

Gia đình chị Phạm Thị Hồng ở xóm Tân Phong, xã Mãn Đức bị thiệt hại nặng nhất ở huyện Tân Lạc. Chị có 32 con lợn gồm cả lợn nái và lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng thì bị dịch chết, phải đem đi tiêu hủy, ước thiệt hại trên 50 triệu đồng. Chị Hồng cho biết: Tôi bắt 2 con lợn của chương trình khuyến nông huyện đem về nuôi thì lây bệnh sang cả đàn.

Với những hộ muốn tái đàn, cần phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, đồng thời trước khi đưa lợn về phải tiêm phòng và nuôi cách ly 5-7 ngày trước khi nhập đàn. Khi mua giống phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ của lợn giống...

Sau khi đem tiêu hủy hết lợn, tôi lấy rơm đốt xung quanh chuồng, rắc vôi bột. Cứ 2 ngày một lần tôi phun thuốc khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại. Không đợi nhà nước hỗ trợ, sau khi hết dịch tôi vay tiền mua 26 con lợn giống trên 18 triệu đồng về thả nuôi tiếp.

Tuy vẫn sợ dịch quay trở lại, nhưng rồi vẫn phải nuôi tiếp, vì ở đây ngoài nuôi lợn chẳng biết chăn con gì. Đây là nghề thu nhập chính của gia đình tôi bao nhiêu năm nay, không thể bỏ được”.

Sau đợt dịch bệnh vừa qua, chị có thêm nhiều kinh nghiệm về công tác phòng dịch. Để tránh những rủi ro dịch bệnh, ngoài biện pháp phòng chống, chị cẩn thận chọn giống lợn của những người quen để biết rõ xuất xứ, nguồn gốc của lợn giống. Trước khi đưa về nuôi chị còn tiêm phòng cẩn thận cho chúng.

Cũng như chị Hồng, gia đình chị Lê Thị Mai ở xóm Tân Phong bắt 2 con lợn giống của mô hình khuyến nông về nuôi. Trước đó, 11 con lợn nhà chị cũng bị lây bệnh và phải đem đi tiêu hủy. Chị cho biết: Tiếc nhất là con lợn nái đang đẻ tốt và 8 con lợn cũng sắp xuất chuồng. Việc hỗ trợ của nhà nước cũng giảm bớt phần nào thiệt hại của gia đình.

Sau khi đàn lợn bị dịch, cứ 2 ngày một lần, chị cho phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh chuồng trại. Cũng chẳng đợi hỗ trợ, chị tìm mua 1 con lợn nái về gây đàn. Trước khi bắt về nuôi chị cũng cho tiêm phòng cẩn thận. Chị còn dự định khi tìm được đàn lợn "sạch", biết rõ nguồn gốc và đã tiêm phòng, chị sẽ nuôi thêm 10 con nữa.

Chị cho biết: “Sau dịch, giá lợn giống cũng tăng lên. Trước đây mua lợn giống giá 25.000 đồng, nay phải mua 30.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhưng vẫn phải mua vì mình làm nghề này nhiều năm rồi”.

Dịch bệnh vẫn rình rập

Ông Phạm Vinh Xương- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hoà Bình cho biết: Sau khi dịch tạm lắng, nhiều người muốn tái đàn phục hồi chăn nuôi, nhưng nguồn lợn giống "sạch" còn thiếu và giá lợn giống cũng cao hơn trước khi có dịch. Một nỗi lo nữa là nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn rất cao do mầm bệnh vẫn còn tồn tại ở môi trường.

Tại vùng dịch Tân Lạc, tỉ lệ lợn được tiêm phòng bệnh tai xanh chỉ chiếm 60% đàn lợn. Ngoài bệnh lợn tai xanh thì 3 bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả (là những loại bệnh nguy hiểm hơn cả bệnh tai xanh), tỉ lệ tiêm phòng toàn tỉnh còn thấp hơn nhiều, chỉ chiếm 40%.

Nguyên nhân là do nhiều người chăn nuôi chưa nhận thức được việc tiêm phòng cho đàn lợn của mình, còn tiếc tiền tiêm phòng. Đối với nhiều người, nuôi lợn là nghề chính của họ nên sau dịch họ vẫn không muốn bỏ nghề.

Theo ông Xương, để nghề chăn nuôi phát triển bền vững thì các cấp ngành cần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân việc tiêm phòng phòng chống dịch cho vật nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem