Tại sao các nhà xuất bản phải đi liên kết?

Chủ nhật, ngày 21/12/2014 10:00 AM (GMT+7)
Xung quanh những sai phạm trong hoạt động xuất bản gần đây, PV đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản VN.
Bình luận 0

Gần đây xuất hiện với mật độ khá dày đặc những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Kiểm: Theo thống kê từ việc xử lý những sai phạm thời gian qua thì thấy có vẻ như số lượng xuất bản phẩm vi phạm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chưa chắc những sai phạm đã tăng mà ở đây có lẽ dư luận đôi khi đưa hơi quá đà, có thể chỉ là việc rất nhỏ nhưng lại đưa thành một vấn đề lớn? Khi phát hiện lỗi sai nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận và phản ánh đúng bản chất của sự việc, cái nào sai về nội dung, cái nào sai về kỹ thuật... từ đó sẽ có cách hành xử cũng như xử lý. Tôi tin chắc rằng nếu làm được như vậy đã không đẩy sức nóng của dư luận lên cao như thời gian vừa qua.

 

 

Tôi có thể dẫn chứng nhiều ví dụ trong đó có thể nhắc đến dự án sách của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam bị phát hiện mắc những lỗi sai mà theo như phản ánh của báo chí là rất cẩu thả.

Trong đó, lỗi sai được nêu ra ở đây là, cuốn sách khi bên ngoài ghi là của NXB Lao động, nhưng ở gáy sách lại gắn logo của NXB Văn hóa - Thông tin. Hay như trang xi nhê cuốn Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông có ghi thông số nộp lưu chiểu vào “quý II năm 20121”.

img

Ông Nguyễn Kiểm

Vấn đề ở đây nên hiểu là khi nộp lưu chiểu năm 2012 vô hình trung người đánh máy gõ thêm số 1 thành 20121 mà thôi, chứ nhiều báo giật tít là những chuyện khôi hài, những chuyện không thể hiểu được... Dùng lời lẽ như vậy là rất nặng nề. Còn về sai sót logo khi báo chí phản ánh, NXB đã xử lý bằng cách thay áo bìa. Đấy không phải là sai về nội dung mà sai về kỹ thuật, do nhà in lắp nhầm. Đúng là NXB đã sai vì chưa kiểm tra kỹ khi nhận sách mẫu từ nhà in và chưa nghiêm túc trong đọc duyệt trước khi phát hành.

Từ việc này tôi thấy hình như chưa có sự chừng mực cần thiết nên chỉ vì một con số mà bàn ra tán vào nhiều như vậy. Đó là sai sót về mặt kỹ thuật. Đúng là đã làm xuất bản thì sai sót nhỏ cũng là sai sót vì đã có câu “đúng như in” nhưng chúng ta hãy nhìn đó là những sai sót về chuyên môn kỹ thuật, không cần tốn nhiều giấy mực vào những việc như vậy.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

- Nguyên nhân là do năng lực, trình độ của BTV các NXB yếu kém, không chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm không cao. Ngoài ra, những người tham gia vào quá trình xuất bản từ BTV, Tổng biên tập... của NXB chưa đi sâu và làm hết trách nhiệm của mình nên để những xuất bản phẩm chất lượng kém lọt ra thị trường. Nhưng ở đây cũng phải nói, trong số những trường hợp sai, có một số trường hợp do trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản của NXB khi sách đã nộp lưu chiểu đến nửa năm mà không phát hiện được sai sót.

 

Thứ hai, những người góp công làm nên xuất bản phẩm gồm họa sĩ thiết kế, trình bày, đối tác liên kết, nhà in... vậy tại sao chỉ có NXB bị phạt mà đối tác liên kết lại không. Điển hình gần đây là sách của NXB Lao động - Xã hội. Khi phát hiện sai sót, NXB đã chủ động ngừng phát hành để khắc phục sửa chữa, tại sao không xem đó là họ đã có trách nhiệm rồi mà chỉ phạt NXB. Trong khi đó, đối tác liên kết đã cố tình không chấp hành quyết định thu hồi, thì lại không bị phạt. Tôi cho rằng việc xử lý như vậy cần xem xét toàn diện hơn…

Ở một khía cạnh khác, tại sao lại cho NXB Lao động - Xã hội làm về Tìm hiểu Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành? Dù là tìm hiểu hay giải thích thì cũng không nên để NXB Lao động - Xã hội xuất bản bộ luật đó. 
Tôi nghĩ rằng các nguyên nhân ở đây phải được nhìn nhận một cách khách quan. Mỗi người phải gánh vác một phần trách nhiệm của mình chứ không phải NXB phải chịu cả. Tất nhiên đó là sản phẩm của NXB và họ là người chịu trách nhiệm chính. 

img

Những cuốn sách mắc nhiều lỗi nghiêm trọng

Theo ông, sai phạm nào được xem là nghiêm trọng nhất?

- Tôi không đánh giá cái nào là nghiêm trọng nhất, vì mỗi sai phạm đều ở mức độ ảnh hưởng khác nhau. Theo tôi, vấn đề nghiêm trọng ở đây không phải ở biểu hiện của những cuốn sách mà ở câu hỏi: Tại sao các NXB phải đi liên kết? Hiện nay, nhiều NXB rơi vào tình cảnh sách liên kết đến quá nửa và họ không thể nào tự làm sách được, dù biết trước liên kết là chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro nhưng không còn con đường nào khác. Có ai muốn chia sẻ lợi nhuận, thương hiệu của mình cho người khác đâu, nhưng vì lý do gì mà họ phải đi liên kết? Tuy nhiên, lối thoát và giải pháp có tính tình thế này không nên kéo dài, mà quan trọng phải tìm cho các NXB con đường khác, có thể là bảo đảm cho họ hành lang pháp lý và một số điều kiện về mặt kinh tế vừa đủ để họ làm việc. 

Vậy cần phải có biện pháp gì để khắc phục triệt để, thưa ông?

- Tôi nghĩ giải pháp có tính căn cơ nhất hiện nay là ngành xuất bản không nên và không được đứng ngoài quá trình tái cơ cấu mà Chính phủ đã đề ra trong nhiều năm nay. Tức là phải nghiêm túc nhìn nhận lại, đặt lại vấn đề tái cơ cấu ngành xuất bản như thế nào cho hợp lý. Phải có một cuộc tổng rà soát, đánh giá lại năng lực, tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của các NXB. NXB nào phục vụ những nhu cầu xuất bản có tính định hướng của Nhà nước thì phải đảm bảo về kinh tế, cơ sở vật chất cho họ phát triển, còn NXB nào phần lớn sách có thể tiêu thụ trên thị trường thì phải tự lo.

Theo Luật Xuất bản mới ban hành, NXB được cấp 5 tỉ đồng tiền vốn nhưng tính đến thời điểm này khi Luật Xuất bản đã có hiệu lực hơn một năm rồi, đã có bao nhiêu NXB được cấp 5 tỉđồng tiền vốn. Vậy trách nhiệm là ở đâu? Hay chúng ta cứ ra Luật, còn đối tượng phải thi hành chỉ là các NXB. Do đó, trong cuộc tổng rà soát này không để bất cứ ai đứng ngoài cuộc mà phải chịu trách nhiệm chung cùng với NXB, làm được như vậy thì mọi việc sẽ tốt. Tôi nghĩ rằng, ở đây có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ sở phát hành, cơ sở in ấn... chứ không riêng NXB.

Theo Luật Xuất bản mới ban hành, NXB được cấp 5 tỉ đồng tiền vốn nhưng tính đến thời điểm này khi Luật Xuất bản đã có hiệu lực hơn một năm rồi, đã có bao nhiêu NXB được cấp 5 tỉ đồng tiền vốn. Vậy trách nhiệm là ở đâu?

(Theo Báo Văn Hoá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem