Sáng 27.4, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã tổ chức Hội thảo Khởi động nghiên cứu nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ từ 0 – 23 tháng tuổi tại Việt Nam. TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời gian gần đây, tình trạng người dân bỏ tiêm chủng bắt đầu xuất hiện sau nhiều trường hợp trẻ tử vong do nghi ngờ biến chứng sau tiêm vaccine.
Tiêm chủng tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. (Ảnh: Diệu Linh)
“Những lỗ hổng lớn bắt đầu hình thành: người dân sụt giảm lòng tin về chất lượng dịch vụ tiêm chủng miễn phí nhưng hệ thống tiêm chủng thu phí lại chưa thích hợp với hệ thống quản lý tiêm chủng trẻ em của Bộ y tế; chi phí tiêm chủng dịch vụ tăng ngoài khả năng chi trả của người dân trong khi đội ngũ tiêm chủng ở tuyến ở tuyến cơ sở thì ưu tiên thực hiện cung cấp dịch vụ tiêm chúng thu phí hơn là miễn phí” – TS Tuấn nói.
“Tại sao các bậc cha mẹ bỏ ra từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng mà không mua nổi một mũi tiêm cho con? Tại sao những đứa trẻ khỏe mạnh sau tiêm chủng lại tử vong? Tại sao những đứa trẻ đã được tiêm chủng vaccine vẫn tử vong vì bệnh đó?” Đây là 3 câu hỏi mà ngành y tế đang “nợ” người dân một câu trả lời thoả đáng, thuyết phục” – TS Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cũng cho biết, không chỉ ở Việt Nam, theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới WHO, chỉ tính tới 6 bệnh sởi, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, lao, có vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng do WHO – UNICEF tài trợ, mỗi năm vẫn con tới 6,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới bị chết vì các bệnh này. Lý do chính nằm ở chất lượng triển khai tiêm chủng trên thực tế ở các nước.
TS.Đặng Đình Thoảng – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam nhận định, thời gian tới, vaccine viện trợ sẽ ngày càng bị cắt giảm: “Hy vọng trước năm 2018, Bộ Y tế sẽ có giải pháp lồng ghép dịch vụ tiêm chủng trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả giúp người dân có cơ hội tiếp cận sử dụng vaccine”– ông Thoảng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.