Tại sao số người chết vì Covid-19 ở Italy, Tây Ban Nha cao hơn Trung Quốc?

27/03/2020 15:34 GMT+7
Các chuyên gia phân tích cho hay có rất nhiều lý do khiến Italy và Tây Ban Nha có số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất thế giới, trong đó phản ứng chậm trễ, hành vi xã hội và nhân khẩu học là một vài nguyên nhân chính.
Vì sao số người chết vì Covid-19 ở Italy, Tây Ban Nha cao hơn cả Trung Quốc? - Ảnh 1.

Những ngày gần đây, số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Châu Âu tăng vọt

Tính đến sáng 27/3, Italy xác nhận 8.215 ca tử vong do đại dịch Covid-19, cao hơn gần 5.000 trường hợp so với con số 3.291 ca tử vong ở Trung Quốc - nơi xuất hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên.

Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong tăng mạnh trong những ngày gần đây lên 4.365 người tính đến sáng 27/3, tức cao gần gấp rưỡi so với số ca tử vong tại Trung Quốc.

Đáng nói là tính đến hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Italy và Tây Ban Nha vẫn đang gia tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với nguy cơ tử vong tăng lên. Những con số đáng quan ngại đã đặt ra câu hỏi về nguyên nhân đằng sau tỷ lệ tử vong cao bất ngờ vì dịch Covid-19 ở Châu Âu.

Phản ứng chậm trễ trước dịch bệnh

Alexander Edwards, chuyên gia miễn dịch học của Đại học Reading cho hay virus đã lây lan từ lâu ở Italy trước khi mọi người có ý thức về sự xuất hiện của nó. Thái độ thờ ơ cho rằng dịch bệnh là vấn đề ở quốc gia khác rất xa xôi đã dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 ở Italy nói riêng và Châu Âu nói chung.

Trái ngược với phản ứng như vậy, chính phủ Bắc Kinh đã phong tỏa nghiêm ngặt Vũ Hán - nơi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên - từ rất sớm. Tiếp theo đó, hàng loạt tỉnh thành Trung Quốc tuyên bố phong tỏa. Chỉ đến mới đây, hôm 25/3, tỉnh Hồ Bắc mới được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, còn Vũ Hán vẫn trong vòng kiểm soát cho đến 8/4, theo tuyên bố của Bắc Kinh.

Dù hành động phong tỏa được nhiều chuyên gia nhận định là biện pháp cực đoan làm tê liệt nền kinh tế, nó đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhiều ngày nay, số ca nhiễm virus corona mới tại Trung Quốc đa số đến từ du khách nhập cảnh.

Tại Italy, mãi đến cuối tháng 2, chính phủ mới thực hiện phong tỏa 11 thành phố phía Bắc, vùng Lombardy. Và đến tận 9/3, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, biện pháp phong tỏa quốc gia mới được áp dụng. Khi đó, số ca nhiễm bệnh đã lên đến hàng chục ngàn người.

Tỷ lệ xét nghiệm Covid-19

Michael Tildesley, một nhà dịch tễ học tại Đại học Warwick cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong có vẻ liên quan đến số người được xét nghiệm Covid-19. Tại Trung Quốc, nơi rất nhiều người dân được thực hiện các xét nghiệm nhanh, tỷ lệ tử vong thấp hơn tại Italy và Tây Ban Nha, nơi chỉ những người dân xuất hiện triệu chứng rõ rệt mới được xét nghiệm.

Thêm vào đó, những ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc nhanh chóng được cách ly trong các cơ sở y tế thay vì tự cách ly tại nhà như phản ứng lúng túng của hệ thống y tế tại Italy.

Cơ cấu dân số già

Ông Alexander Edwards đồng thời chỉ ra nhóm người dễ bị virus corona tấn công nhất là người già. Nhóm người trên 60 tuổi thường có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng do dịch bệnh hơn là nhóm người trẻ. Trong khi đó, Italy là đất nước có tỷ lệ dân số già lớn thứ hai thế giới chỉ sau Nhật Bản, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD.

Tây Ban Nha không nằm trong những nước có tỷ lệ dân số già lớn nhất thế giới, nhưng bệnh dịch cũng đang tấn công nhóm người già nước này. Chính phủ Tây Ban Nha chỉ ra rằng 3 nhóm tuổi có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trong nước là 50-59, 70-79 và trên 80 tuổi.

Ngoài ra, nền văn hóa sinh hoạt động đồng như chào hỏi bằng cách ôm hôn, đi nhà thờ hoặc dùng bữa cùng nhau cuối tuần, bắt tay thường xuyên… tại Italy, Tây Ban Nha cũng như nhiều quốc gia Châu Âu đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng.

Một phần lý do khác được chỉ ra là người dân Trung Quốc cho thấy mức độ tuân thủ các biện pháp phong tỏa của chính phủ cao hơn hẳn so với người dân Châu Âu. Bằng chứng là cảnh sát Italy đã cảnh cáo hàng trăm ngàn người dân vi phạm lệnh phong tỏa vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục