dd/mm/yyyy

Tam Đường: Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới

Khơi gợi sức dân trong xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã làm nên điều kì diệu với số tiêu chí bình quân đạt gần 16 tiêu chí/xã. Diện mạo các xã miền núi trong huyện đổi thay mạnh mẽ. Đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đổi thay từ nhận thức

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, cho biết: "Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. Xây dựng NTM là việc mới, việc khó. 

Với một huyện có xuất phát điểm thấp như Tam Đường thì cái khó được nhân lên gấp bội. Muốn thực hiện thành công chương trình này đòi hỏi phải có lộ trình và kế hoạch phù hợp. Cái cốt lõi nhất vẫn là phải khơi gợi được sức dân trong xây dựng nông thôn mới".

Tam Đường: Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Đến thời điểm này, huyện Tam Đường đã có 6 xã cán đích nông thôn mới.

"Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường đã làm nên điều kì diệu. Diện mạo nông thôn các xã miền núi trên địa bàn huyện có nhiều đổi khác. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Không chỉ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà Tam Đường còn huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới" – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhấn mạnh.

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường không chỉ có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, mà không ít cán bộ, đảng viên và người dân vẫn chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về tính nhân văn sâu sắc của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Tam Đường: Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhờ có sự tham gia tích cực của người dân, nhiều tuyến đường nội bản ở Tam Đường đã được bê tông hóa.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện tuyên truyền lồng ghép nội dung xây dựng NTM trong các cuộc họp, sinh hoạt cơ quan, đơn vị. Các cơ quan chuyên môn phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức tuyên truyền như: Thông qua các cuộc xã, họp bản, phát tờ rơi, dán pa no, khẩu hiệu ở những nơi công cộng... Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhận thức của cán bộ và người dân trong huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thông qua phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh",  tinh thần gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ thôn bản và người có uy tín ở cộng đồng dân cư đã được phát huy. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các xã, bản luôn đi đầu trong việc vận động gia đình, họ hàng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã thúc đẩy phong trào chung sắc xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp các xã, bản.  

Diện mạo nông thôn khởi sắc

"Từ những thay đổi về nhận thức, người dân các xã, bản trong huyện đã tích cực phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Điều này được thể hiện rõ bằng những hành động, việc làm cụ thể như: Chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp công sức làm đường giao thông, thi đua phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện. Đây chính là một trong những cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới của huyện Tam Đường" – ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường chia sẻ.

Tam Đường: Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Trạm Y tế xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) được đầu tư xây dựng khang trang.

Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng hàng năm, huyện Tam Đường tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng tới các công trình thiết yếu như: Điện, đường, trường, trạm y tế, thủy lợi... Nói như ông Quân, thì đây là yếu tố then chốt, là động lực cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Song song với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Tam Đường đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo ông Quân, những năm gần đây, huyện Tam Đường đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất. Điển hình như các dự án: Trồng chè, trồng mắc ca... thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong huyện. Trên địa bàn sớm hình thành các vùng sản xuất chè, mắc ca tập trung, với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Cây chè đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân huyện Tam Đường. Nhiều hộ dân có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ trồng chè...

Tam Đường: Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Cây chè đã và đang trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Tam Đường.

Kinh tế phát triển, người dân tích cực đóng góp công sức, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, góp phần tô thêm diện mạo mới cho bản làng vùng cao.

"Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã miền núi của huyện đã có nhiều khởi sắc. Diện mạo nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư cụ thể đến từng thôn bản khang trang, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các thiết chế văn hóa được củng cố, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương được bảo tồn, duy trì, phát triển. Nhiều xã đã hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, bền vững. An ninh nông thôn, trật tự an toàn trên địa bàn được đảm bảo. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm" – ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường phấn khởi nói.

Thanh Ngân