Theo Express, từ quyển có biệt danh "khiên bảo vệ Trái Đất", trải dài hàng chục nghìn km trong vũ trụ và tác động tới mọi thứ, từ thời tiết tới hệ thống viễn thông toàn cầu. Giống như một quả bóng khổng lồ nhưng vô hình, từ quyển chặn gió Mặt Trời và các bức xạ vũ trụ.
ESA năm ngoái phóng ba vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất để theo dõi từ quyển, nhằm lập bản đồ về những thay đổi. Trong hội nghị Liên minh Trắc địa và Địa Vật lý Quốc tế tổ chức ở thủ đô Prague, Czech từ ngày 22/6-2/7 tới, ESA sẽ công bố những kết quả mà SWARM (tên của nhóm ba vệ tinh nhân tạo) thu thập được.
Từ quyển Trái Đất đang yếu dần. Ảnh minh họa: ESA
Rune Floberghagen, chỉ đạo dự án SWARM, nói rằng nhóm vệ tinh đo và tách các tín hiệu từ xuất phát từ các vị trí khác nhau trên Trái Đất như lõi, vỏ, đại dương, tầng điện ly và từ quyển.
ESA hy vọng rằng, sau 4 năm (thời gian mà dự án SWARM diễn ra), họ có thể hiểu rõ nhiều quá trình tự nhiên bên trong Trái Đất và bên ngoài bầu khí quyển. Nhưng hiện tại, dữ liệu ban đầu đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về "tấm khiên tàng hình" của Trái Đất.
"Dữ liệu từ ba vệ tinh trong 6 tháng qua cho thấy trường điện từ của Trái Đất đang yếu dần, với mức giảm mạnh nhất ở phía bán cầu tây," phát ngôn viên của ESA tuyên bố.
Các nhà khoa học từng cảnh báo rằng nếu từ quyển mỏng dần hoặc biến mất vĩnh viễn, lượng bức xạ tới bề mặt địa cầu sẽ tăng gấp đôi, có thể khiến số người chết vì ung thư da tăng vọt. Những cơn gió Mặt Trời cũng sẽ hủy diệt dần tầng điện ly, khiến Trái Đất không thể giữ nước và không khí. Sự biến mất của tầng điện ly sẽ khiến hành tinh nóng nhanh hơn.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.