Tâm sự "đắng lòng" của nữ sinh nghèo tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam chưa được cấp bằng
Ước mơ giang dở của nữ sinh không được Học viện múa Việt Nam cấp bằng
Linh Thị Châu Loan, dân tộc Tày (Bắc Hà, Bắc Giang) - học sinh của ngành Diễn viên múa, K3 của Học viện múa Việt Nam vừa bước vào độ tuổi 20 - tuổi đẹp nhất của đời người với nhiều ước mơ và hoài bão. Thế nhưng, những ước mơ và hoài bão ấy của cô gái trẻ, đẹp đang có nguy cơ phải dừng bước vì tới nay, sau nhiều năm tốt nghiệp, Châu Loan cùng hàng trăm học sinh học tại Học viện Múa Việt Nam vẫn chưa thể nhận được bằng.
Châu Loan chia sẻ, ở vùng quê nghèo của em, em là cô gái duy nhất được xuống Hà Nội học múa. "Ngày ấy em mới học hết lớp 7, lúc nghe nói được xuống Hà Nội học múa em vui lắm, vì đó là niềm mơ ước của em từ bé", Châu Loan kể lại.
Ngày xuống Hà Nội, không có người thân quen, cô gái bé nhỏ ở trong ký túc xá. Vì gia đình khó khăn, bố mẹ chỉ làm nông nghiệp nên mỗi tháng cũng chỉ cho Loan được khoảng 1 triệu để ăn học. Qua năm tháng, bố mẹ dần nâng mức trợ cấp lên đôi chút.
"Gia đình em khó khăn lắm, nhưng vì em là con một nên bố mẹ cố gắng cho em xuống Hà Nội học tập với mong muốn sẽ có tương lai tốt hơn. Mẹ thậm chí còn phải đi làm ở Trung Quốc để có tiền cho em đi học. Kết quả thế này bố mẹ em rất buồn", Loan tâm sự.
Nỗi khổ tâm lớn nhất của Loan chính là dù đã tốt nghiệp mà em vẫn chưa thể làm gì được giúp gia đình. Vì chưa có bằng cấp nên Loan không thể xin việc tại các đoàn nghệ thuật, cô chỉ có thể nhận chạy các sô diễn bên ngoài. Thậm chí để lo cuộc sống, Loan còn phải bán rượu lá quê, bán hàng online.
Loan tâm sự: "Công việc mỗi ngày một ít, một khó khăn. Có ngày còn phải chạy xô ở 2 tỉnh mà tiền thù lao cũng thấp, nhưng không làm không có tiền để sống nên em vẫn phải cố. Em cảm thấy rất buồn vì đến giờ mỗi tháng, bố mẹ vẫn phải chu cấp cho em một khoản nhỏ để em thuê nhà".
Ước mơ của cô gái này là được lấy bằng để có thể về Hà Giang làm việc. Loan nói: "Quê hương em còn khó khăn lắm. Em mong được về quê làm việc để cống hiến chút sức lực góp phần xây dựng quê hương. Mơ vậy thôi, chứ giờ không có bằng, về quê xin việc cũng không ai nhận chị ạ".
Sáng 31/3, hàng trăm phụ huynh có con học tại Học viện Múa Việt Nam đã có đơn gửi báo chí và các cơ quan chức năng kêu cứu về việc các con học xong nhưng không được cấp bất cứ văn bằng chứng chỉ nào. Để làm rõ thực hư câu chuyện, phóng viên Báo Dân việt đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam để làm việc nhưng phía trường vẫn im lặng, không tiếp.
Nhớ lại những ngày tháng còn lên lớp, sáng học văn hóa, chiều, tối học múa gương mặt cô gái trẻ hồ hởi. "Học vất vả lắm chị, nhưng em thấy vui vì được học ngành em thích. Có ngày tập múa 6-8 tiếng đến trầy trật hết da tay, da chân. Mồ hôi nhễ nhại, cơ thể đau nhừ mà vẫn cố gắng", Loan kể lại.
Cũng vì không chịu được áp lực, sự vất vả mà nhiều học sinh cùng chuyên ngành với Loan đã bỏ học.
"Nghĩ chuyện học vất vả bao năm không có bằng thấy buồn, nhưng em tin rồi em sẽ được cấp bằng. Lúc đó em sẽ xin công việc thật tốt để lấy tiền hỗ trợ bố mẹ, vì bố mẹ em chỉ có mình em thôi", Loan hồ hởi chia sẻ dự định sắp tới.
Dự định là vậy nhưng thực tế sau 5 tháng tốt nghiệp chuyên ngành, Loan vẫn chưa nhận được bất cứ bằng cấp nào. Loan và hơn 300 học sinh khác cùng chịu cảnh "3 không" - Không bằng THCS, không bằng THPT, không bằng cao đẳng.
Cho con đi học ở Học viện múa Việt Nam - đổi lại chỉ là sự thất vọng
Bà Nguyễn Thị Thoa, mẹ của Linh Thị Châu Loan cho biết công việc khá bận nên hiện giờ chị không thể xuống Hà Nội cùng con "kêu cứu" được. Tuy nhiên chị đã có đơn ủy quyền cho ban phụ huynh làm việc với lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam để đòi quyền lợi cho các con.
"Từ nhỏ con tôi đã thích nghệ thuật. Cháu thích múa lại có năng khiếu nên khi được thầy cô giới thiệu tôi quyết tâm cho con xuống Hà Nội theo học. Dù có lúc gia đình khó khăn, có lúc nghĩ không thể tiếp tục cho con theo học được nữa nhưng vì niềm đam mê của cháu vợ chồng tôi đã phải cố gắng gấp nhiều lần chỉ mong con đạt được ước mơ", chị Thoa tâm sự.
Niềm tự hào, sự hy vọng của vợ chồng chị dồn vào hết Linh Thị Châu Loan, bởi Loan cũng là con một. Song, hiện tại, niềm hi vọng đó lại trở thành nỗi thất vọng quá lớn với gia đình chị khi chị nghe tin con học xong tới 2 năm (học văn hóa, chuyên ngành vừa kết thúc năm 2020 - PV) mà vẫn chưa được Học viện Múa Việt Nam cấp bất cứ bằng nào.
"Chỉ mong ước con được lấy bằng, để xin một công việc ổn định", chị Thoa giọng trầm buồn nói.
Sáng 1/4, trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD-ĐT quận cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết, đơn vị chưa tiếp nhận được bất cứ thông tin đề xuất nào về việc cấp bằng cho học sinh của Học viện Múa Việt Nam.
Ông Ngọc Anh cho hay, trước đó, Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy có tiếp nhận được đơn thư đề xuất của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam để xét công nhận, cấp bằng THCS cho học sinh của trường.
Dự kiến, chiều nay Học viện Múa Việt Nam sẽ có buổi gặp gỡ báo chí để làm rõ thông tin về việc hơn 300 học sinh chưa được cấp bằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.