Tâm sự nao lòng của một giáo viên dạy giỏi

Hùng Phiên (ghi) Thứ năm, ngày 22/12/2016 15:01 PM (GMT+7)
Tôi là người đã từng dự thi giáo viên dạy giỏi và tôi muốn chia sẻ để công luận hiểu thêm nỗi lòng… của những thầy cô thi giáo viên giỏi. Bởi thực sự, đây là một cuộc “trình diễn tổng lực” bở hơi tai.
Bình luận 0

Tôi là người đã 3 lần đi thi giáo viên giỏi phổ thông các cấp và thấy nhiều giáo viên sắp nghỉ hưu mà vẫn bị chọn đi thi giáo viên giỏi.

Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hội thi giáo viên giỏi cấp trường tổ chức mỗi năm 1 lần, cấp huyện 2 năm/lần, cấp tỉnh 4 năm/lần, toàn quốc 5 năm/lần. Phải đạt giáo viên giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, mới được đi thi cấp tỉnh…

Bên ngoài cứ tưởng đi thi giáo viên giỏi là vinh hạnh và rất đáng tự hào, thế nhưng hầu hết giáo viên mà tôi biết đều rất sợ vì bị áp lực rất lớn. Ban giám hiệu phải trực tiếp tuyển chọn gắt gao, phân công bắt buộc, nên hầu hết các giáo viên được tuyển chọn không thể chối từ...

Theo những gì tôi đã trải qua thì dự thi giáo viên giỏi là cuộc “trình diễn tổng lực” bở hơi tai. Phải sưu tầm, viết vẽ hàng loạt biểu bảng; rồi ghép dựng các video để phóng chiếu lên màn hình trong lúc thi dạy… Những “đạo cụ” này là rất xa xỉ trong các tiết dạy thường ngày. Thế nhưng vì áp lực “màu cờ sắc áo” nên không thể không đêm ngày dồn sức đến… mức ngất xỉu.

img

Thi giáo viên giỏi các cấp. Ảnh: I.T

Giáo viên đi thi luôn được quán triệt phải “dợt đi, dợt lại”, dạy “nháp” liên tục, tư duy để dự đoán trước tình huống với học sinh... Thế nhưng vào hội thi thì luôn bị “đứng tim”. Bởi cán bộ lãnh đạo, giáo viên các trường về ngồi dự kín phòng thao giảng, nhiều khi đông gấp 5-7 lần học sinh. Lắm lúc, vào phòng thi dạy, các giáo viên đi thi chỉ muốn khuỵu chân, đầu óc căng hơn dây đàn, nói chẳng còn ra hơi… Thế nhưng phải liên tục “đi qua đi lại, lên lên xuống xuống”, chứ không dám ngồi xuống ghế…

Bởi sợ hội đồng thi góp ý là “bám giáo án, bám bàn, bám bảng”. Bởi lo tiết dạy không sinh động, bị đánh giá thấp, rồi lỡ không đạt giáo viên xuất sắc thì về trường lại bị “mổ xẻ” là không cố gắng đầu tư, thiếu kỷ luật viên chức, ảnh hưởng thành tích chung… Đã vậy, nhiều khi học trò "lỡ" trả lời sai, làm cho giáo viên càng căng thẳng! Một số giáo viên bị huyết áp, rất khó vượt nổi...

Nói chung, giáo viên nào bị “lên thớt” thi GVG là vô cùng cơ cực, thâu đêm suốt sáng hồi hộp lo, mỗi người đi thi đều sụt mất mấy cân…

Mong sao, ngành giáo dục xem xét để giảm bớt áp lực để giáo viên dạy giỏi thực sự trở thành một cuộc thi được tất cả các giáo viên và học sinh mong đợi.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít bài do Dân Việt đặt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem