Sinh ra là phụ nữ…chưa chắc đã khổ
Trong quá trình nuôi dạy con cái, những người mẹ thường xuyên “khoe” “chiến tích” của con hay cảm xúc, dấu mốc quan trọng trong quá trình nuôi con. Tuy nhiên, người cha không thường xuyên chia sẻ những điều đó.
Lá thư gây “bão” chiếm được tình cảm từ dân mạng
“Người đọc ít khi nghe tâm sự của cha dành cho con gái. Cha thường là những người bận rộn với công việc và mối quan hệ xã hội nên ít khi dành thời gian ghi chép những sự kiện hay cảm xúc của mình trong quá trình nuôi con. Người cha nào khi con mình sinh ra cũng muốn dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất, dù là sinh con trai hay con gái”, Anh Hoài Chung chia sẻ
Phụ nữ và trẻ em đóng góp rất nhiều trong công cuộc phát triển của đất nước, được tôn vinh là “nửa kia của thế giới”. Tuy nhiên, họ vẫn còn là nạn nhân trong cách phân biệt đối xử bất bình đẳng giới, bạo lực, lạm dụng.
“Tôi nghĩ có thể vì họ không được giáo dục từ nhỏ là phải luôn bày tỏ quan điểm và đấu tranh cho quyền lợi của mình. Gia đình luôn định hướng chọn những việc nhẹ nhàng để họ có thời gian làm đẹp và dễ lấy chồng. Vô tình ngay từ nhỏ đã có khoảng cách đầu tư cho con trai và con gái, nên khi lớn lên, khoảng cách cơ hội ngày càng xa”, Anh Chung nói.
Anh chọn câu chuyện 3 cô gái được nhận vào Harvard cùng 1 năm để hàm ý là khi gia đình có tư tưởng giáo dục công bằng cho các con ngay từ nhỏ thì những vấn đề bất bình đẳng trong xã hội trong tương lai sẽ ít.
Luôn bị cho là phái “yếu”, phụ nữ và trẻ em gặp rất nhiều rào cản trong cuộc sống như: Nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ, cơ hội phát triển bản thân, tìm kiếm việc làm, kiểm soát bản thân và đặc biệt là tham gia vào các hoạt động chính trị.
“Phần trăm phụ nữ làm chính trị thấp hơn nhiều, nên tiếng nói của phụ nữ chưa có sức nặng. Tuy nhiên, tôi nghĩ cơ hội giáo dục cho nam và nữ hiện không có khoảng cách lớn lắm nên trong tương lai, vấn đề nữ quyền sẽ dần được giải quyết khi phụ nữ cạnh tranh một cách ngang hàng cho tất cả những vị trí lãnh đạo trong xã hội”, anh Chung chia sẻ.
Nên nhanh chóng rút ngắn khoảng cách bình đẳng
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Dân số Việt Nam, nửa đầu năm 2014, cứ 114,3 bé trai thì có 100 bé gái chào đời. Tỷ lệ sinh chênh lệch cao, nếu như không được điều chỉnh thì sẽ có hậu quả nặng nề về sau.
Thạc sĩ Hoài Chung chia sẻ về quan điểm của anh về vấn đề giới.
Anh Hoài Chung chỉ ra hai nguyên nhân chính ngoài “nối dõi tông đường” về việc sinh con trai ở Việt Nam được nhiều gia đình “đầu tư” hơn là sinh con gái gây nên mất cân bằng giới tính: “Thứ nhất, Việt Nam vẫn quan niệm truyền thống là phụ nữ lấy chồng thì sẽ phải lo việc nhà chồng, không có thời gian lo cho gia đình mình. Thứ 2, cha mẹ nghĩ con gái về mặt sinh học, tâm lý, xã hội có những cái bất lợi hơn con trai, nên sinh con trai thì đỡ lo lắng hơn”.
Ngoài thời gian lao động kiếm thu nhập, phụ nữ và trẻ em dành phần lớn thời gian để lao động việc nhà, tuy nhiên, những công việc họ làm thường không được trả công, không được ghi nhận thỏa đáng và thường bị coi là công việc bắt buộc họ phải làm.
“Tôi nghĩ ngay lúc này, đầu tư và cơ hội giáo dục dành cho 2 giới tính phải như nhau. Đối với những vùng có khoảng cách lớn, cần có những chương trình bù đắp cho riêng nữ giới để điểm khởi đầu cân bằng. Ngoài ra, quan trọng hơn là thay đổi cách đối xử với con cái ngay trong mái ấm của mình. Trai gái gì cũng là con, và đã là con thì sẽ được hưởng quyền lợi của một người con”.
Thể hiện rõ quan điểm tiến bộ, suy nghĩ hiện đại của một ông bố đầy ắp tình thương, anh chia sẻ cách anh giáo dục con cái về bình đẳng và anh mong muốn những ông bố khác hãy làm như anh: “Dù bên ngoài xã hội họ có những định kiến gì, ba mẹ luôn coi con là vô giới tính. Mọi quyết định của gia đình mình sẽ dựa vào đam mê sở thích của con, không phải là để con bằng các bạn con trai, mà là để con có cuộc sống con mong muốn”.
Nguyên văn lá thư gây “sốt” của Thạc sĩ :
“Năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái. Nhưng mà hình như con đầu lòng người ta (người Việt) thường thích có con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường, các con sau sinh con gì cũng được. Lỡ con đầu là con gái thì lo lắng nếu con thứ 2 cũng là con gái thì phải đẻ nữa để có con trai. Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội.
Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này. Trong những tháng trước và sau khi mẹ sinh con, mẹ không thể làm gì khác ngoài ăn uống tẩm bổ nghĩ dưỡng, trong khi ba vẫn duy trì học tập và công việc bình thường, ba thấy thêm một sự khác biệt về cơ hội và thời gian nữa. Nhưng ba còn nhớ như in hình ảnh của những người con gái làm ba ngưỡng mộ hết mình:
• Năm lớp 5, cô O. cao hơn ba 1 cái đầu tự tin lãnh đạo các hoạt động tập thể.
• Năm 2000, khóa được học bổng ASEAN du học Singapore của ba có 8 con trai và 15 con gái. Tự xung phong lãnh đạo nhóm là cô H., học siêu giỏi là cô T. vào Harvard, và sau này ra trường các cô đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty.
• Năm 2008, khi kinh tế Mỹ xuống tận đáy, cô P. vẫn được việc ở công ty xem như là tốt nhất cho sinh viên mới ra trường.
• Năm 2013, mẹ leo núi Fansipan hừng hực khí thế, bỏ xa ba nhiều lần. Nhận thức của ba lúc trước về khác biệt thể lực là sai lầm.
• Năm 2014, ba hoàn toàn tin tưởng cô N. về năng lực và phẩm chất để cùng làm giáo dục, từ chối kha khá lời mời hợp tác của nhiều người thành đạt khác.
Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái. Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.