Tấn bi kịch cuộc đời nàng công chúa Hawaii: Bị tước ngai vàng và chết ở tuổi đôi mươi

Phương Đăng (theo Allthatsinteresting) Thứ bảy, ngày 16/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trước khi qua đời ở tuổi 23, công chúa Victoria Ka'iulani từng là người thừa kế cuối cùng của quốc đảo Hawaii. Tuy nhiên, nàng công chúa xinh đẹp đã bị tước ngai vàng sau khi chế độ quân chủ Hawaii sụp đổ.
Bình luận 0


Tấn bi kịch cuộc đời nàng công chúa Hawaii: Bị tước ngai vàng và chết ở tuổi đôi mươi - Ảnh 1.

Chân dung nàng công chúa xinh đẹp của Hawaii một thời. Ảnh Allthatsinteresting

 "Bông hồng Hawaii" xinh đẹp, kiên cường

Theo Allthatsinteresting, vào thời điểm công chúa Ka'iulani chào đời vào năm 1875, Hawaii vẫn là một quốc đảo theo chế độ quân chủ lập hiến.

Ka'iulani là con gái của công chúa Miriam Likelike (em gái của quốc vương Kalakaua) và Archibald Scott Cleghorn, một doanh nhân người Scotland.

Ka'iulani sống thời thơ ấu giàu sang, phú quý ở thủ đô Honolulu sầm uất. Ka'iulani được giáo dục theo phong cách phương Tây nhưng vẫn phù hợp với một công chúa với nữ gia sư người Mỹ, Gertrude Gardinier. Nàng công chúa nhỏ chủ yếu học đọc, viết, thơ ca nhạc họa cũng như cưỡi ngựa và các bài học về phép xã giao.

Đối với Ka'iulani, đó là một khoảng thời gian hạnh phúc, một khoảng thời gian đẹp đẽ. Tác gia Robert Louis Stevenson từng sáng tác một bài thơ nói về vẻ đẹp kiều diễm của nàng công chúa nhỏ Kaʻiulani cũng như quốc đảo Hawaii xinh đẹp. Từ đó, người dân Hawaii nhớ đến Kaʻiulani như một "bông hồng Hawaii".

Tấn bi kịch cuộc đời nàng công chúa Hawaii: Bị tước ngai vàng và chết ở tuổi đôi mươi - Ảnh 2.

"Bông hồng Hawaii" nổi tiếng xinh đẹp từ khi còn là 1 cô bé. Ảnh Allthatsinteresting

Tuy nhiên, những ngày tháng hạnh phúc êm đềm của Kaʻiulani không kéo dài bao lâu. Năm công chúa 11 tuổi, mẹ cô bé bệnh nặng qua đời. 

Sau đó, Kaʻiulani được gửi tới một trường nội trú ở Anh vì Hoàng gia Hawaii muốn người thừa kế phải nhận được nền giáo dục tốt nhất. Kể từ đây, Kaʻiulani phải sống tha hương, cô đơn suốt nhiều năm nơi đất khách quê người.

Tấn bi kịch cuộc đời nàng công chúa Hawaii: Bị tước ngai vàng và chết ở tuổi đôi mươi - Ảnh 3.

Ngôi nhà nơi công chúa Kaʻiulani sinh ra và lớn lên ở Hawaii

Năm 1889, cô theo học tại trường tư Great Harrowden Hall ở Northamptonshire, Anh. Tại đây, Kaʻiulani học tiếng Latin, văn học, toán học và lịch sử. Năm 1892, Kaʻiulani tới Brighton và theo học nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Đức. Suốt quãng thời gian học tại Anh, cô được đánh giá là một học sinh xuất sắc. Nhưng cũng trong thời gian này, việc kinh doanh của ông Cleghorn - bố công chúa gặp khó khăn.

Người thừa kế bị tước ngai vàng và cái chết tức tưởi

Vào năm 1893, người dì của công chúa Ka’iulani, nữ hoàng Lili’uokalani, bị ép phải thoái vị bởi các ông trùm giàu có đang thống trị nền kinh tế Hawaii người Anh và Mỹ được hậu thuẫn bởi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Còn Hawaii sẽ phải sáp nhập vào Mỹ.

Tấn bi kịch cuộc đời nàng công chúa Hawaii: Bị tước ngai vàng và chết ở tuổi đôi mươi - Ảnh 4.

Nàng công chúa xinh đẹp, kiên cường nhưng có số phận nghiệt ngã. Ảnh History

Trước đó, nữ hoàng Lili’uokalani đã chỉ định Ka'iulani người thừa kế của bà. Lúc này, trách nhiệm với vận mệnh của quốc đảo Hawaii đã thúc đẩy Ka’iulani lên đường tới Mỹ để yêu cầu nước này khôi phục chế độ quân chủ ở quê hương cô.

"Từ New York, công chúa Ka’iulani trực tiếp đến Washington D.C. Cô là khách mời đặc biệt của Nhà Trắng, được đích thân Tổng thống Grover Cleveland và đệ nhất phu nhân Mỹ đón tiếp. Chưa có người phụ nữ nào được đích thân Nhà Trắng quan tâm tới vậy", tác giả Sharon Linnea viết trong cuốn Princess Ka'iulani: Hope of a Nation, Heart of a People.

Giới truyền thông-báo chí Mỹ cũng rất quan tâm tới công chúa Hawaii. Câu chuyện nàng công chúa xinh đẹp tìm tới tận nước Mỹ để vận động độc lập cho Hawaii đã chiếm trang nhất trên nhiều tờ báo phụ nữ thời bấy giờ.

Ngay tai Nhà Trắng, "bông hồng Hawaii" tuyên bố: "Tôi chỉ là cô gái bé nhỏ, yếu đuối nhưng tiếng nói của tôi đủ mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền cho đất nước Hawaii. Thậm chí ngay lúc này đây, tôi đã có thể nghe được tiếng khóc đòi độc lập của dân tộc tôi và chính nó đem lại sức mạnh cho tôi".

Tuy việc đòi độc lập cho Hawaii của công chúa Ka’iulani không thành nhưng những hành động của cô đã khiến công chúa trở thành một nữ anh hùng trong lòng người dân quê hương cô lúc bấy giờ.

Dù chỉ là một cô gái bé nhỏ, Ka’iulani đã dám đứng lên cất tiếng nói vì độc lập và chủ quyền của dân tộc. Tháng 8/1898, Hawaii chính thức sát nhập vào Mỹ, gia đình Ka’iulani lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Một năm sau, Ka’iulani bị ốm nặng rồi qua đời khi mới chỉ 23 tuổi. 

Cái chết của Ka'iulani là một cú sốc nặng nề đối với cha cô, dì cô và tất cả những người Hawaii phản đối việc sáp nhập hòn đảo vào Mỹ. Sau đó, hoàng gia Hawaii dẫn trở thành dĩ vãng và ký ức về công chúa Ka'iulani cũng dẫn nhạt phai. Nhưng ngày nay, di sản của công chúa Ka'iulani đã được khôi phục và cô được tôn vinh là cô gái mạnh mẽ đã có những nỗ lực dũng cảm để bảo vệ nền độc lập của Hawaii.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem