Tận dụng lợi ích FTA: Gần 1 triệu bộ C/O được cấp trong năm 2020

19/04/2021 16:03 GMT+7
Trong năm 2020, các cơ quan chức năng đã cấp gần 1 triệu bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo đó, tổng trị giá số C/O nói trên ở mức 52,8 tỷ USD, tăng khoảng 6% về trị giá và 9% về số lượng bộ C/O so với năm 2019. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi khoảng 33,1%.

Tính theo thị trường xuất khẩu, Hàn Quốc chiếm 52,01%, Nhật Bản 38,35%, Trung Quốc 31,6%... Còn theo mặt hàng xuất khẩu, hàng dệt may khoảng 58%, gỗ và sản phẩm gỗ 32%, thủy sản 68%...

Cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, hiện tại, khi xuất khẩu sang một số thị trường có FTA tỷ lệ sử dụng C/O có thể giảm. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi vẫn tăng đều sau từng năm.

Tận dụng lợi ích FTA: Gần 1 triệu bộ C/O được cấp - Ảnh 1.

Trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tiếp tục tăng.

Điển hình, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 33,1% không có nghĩa gần 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Bởi thực tế hiện nay, thuế nhập khẩu được hưởng ưu đãi MFN (quy chế tối huệ quốc) tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp (1 - 2%), hoặc tương đương với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu, bởi không tạo sự khác biệt về thuế quan.

Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện nay, C/O mẫu E trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đứng đầu với trị giá hơn 15,5 tỷ USD, bằng khoảng 31,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tiếp đó, C/O mẫu D với trị giá đạt 8,98 tỷ USD, bằng khoảng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN. Đứng thứ ba, tổng trị giá C/O mẫu AJ (ASEAN - Nhật Bản) được cấp đạt 5,8 tỷ USD, bằng khoảng 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, C/O mẫu VJ (Việt Nam - Nhật Bản) có trị giá khoảng 1,52 tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản. Hai mẫu C/O trong khuôn khổ các FTA ký với Hàn Quốc là C/O mẫu VK (Việt Nam - Hàn Quốc) và C/O mẫu AK (ASEAN - Hàn Quốc) đều có trị giá khá cao, lần lượt đạt 5,08 tỷ USD và 4,87 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 26,6% và 25,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP trong năm 2020 đạt 1,37 tỷ USD, bằng 4,02% tổng kim ngạch xuất khẩu sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tổng trị giá C/O mẫu EUR.1 cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU và Anh đã đạt 2,66 tỷ USD, bằng khoảng 14,83% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2020 sang thị trường này. Theo nhận định của giới chuyên môn, trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng hơn nữa.

Trà My
Cùng chuyên mục