Tần suất phân loại nợ theo tháng tác động thế nào đến quản lý rủi ro của các ngân hàng?

10/08/2021 07:36 GMT+7
Theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng lên là “tối thiểu hàng tháng”, cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn - theo SSI Research.

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 11/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 và các thông tư trước đó là Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực.

Tần suất phân loại nợ theo tháng tác động thế nào đến quản lý rủi ro của các ngân hàng - Ảnh 1.

Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng lên là “tối thiểu hàng tháng”, cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn. (Ảnh: SHB)

Thông tư 11: Rút ngắn thời gian tối thiểu phân loại nợ và trích lập dự phòng xuống 1 tháng

Theo các chuyên gia, một trong những thay đổi lớn nhất trong Thông tư 11 là Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh về thời điểm, trình tự phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể, Thông tư 11 quy định ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tiên của tháng, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải căn cứ quy định của thông tư để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng tính đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

Song song với đó, các tổ chức này phải trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Ngoài thời điểm phân loại trên, các ngân hàng được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.

Như vậy, so với Thông tư 02, quy định tại Thông tư đã rút ngắn thời gian tối thiểu các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ 3 tháng/lần xuống 1 tháng/lần.

Về nguyên tắc, Thông tư 11 quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.

Sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Tần suất phân loại nợ theo tháng tác động thế nào đến quản lý rủi ro của các ngân hàng - Ảnh 3.

Những thay đổi chi tiết trong Thông tư 11/2021/TT-NHNN so với Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN.

Khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng

Đánh giá về Thông tư 11, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ "tối thiểu hàng quý" lên "tối thiểu hàng tháng", điều này cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn.

Tuy nhiên, theo hầu hết các ngân hàng mà SSI Research nghiên cứu dường như đã phân loại dư nợ và trích lập dự phòng theo tháng. Theo quan điểm của đơn vị này, Thông tư 11 đóng vai trò là một văn bản để đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau.

"Chúng tôi cho rằng, Thông tư này sẽ không dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý rủi ro ngân hàng" – chuyên gia SSI Research nhấn mạnh.

Tần suất phân loại nợ theo tháng tác động thế nào đến quản lý rủi ro của các ngân hàng - Ảnh 4.

Thông tư 11 đã đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng. (Ảnh: EIB)

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, Thông tư 11 không áp dụng đối với các ngân hàng được giám sát đặc biệt. SSI Research nhận thấy có một ngoại lệ đối với việc phân loại nợ/tiền gửi được sử dụng để hỗ trợ các ngân hàng cụ thể trong tình trạng giám sát đặc biệt.

Những ngoại lệ này cũng có thể áp dụng cho các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng đang chịu sự giám sát đặc biệt, có khả năng tạo điều kiện để xử lý các ngân hàng "0 đồng".

H.Anh
Cùng chuyên mục