Tăng biên chế cho trạm y tế, liệu có ai chịu về không?

Bạch Dương Thứ tư, ngày 10/11/2021 17:07 PM (GMT+7)
Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM chiều 10/11, các thành viên đoàn khảo sát đặt vấn đề sát sườn: Ai sẽ chịu về làm việc tại các trạm y tế trong thời gian này?
Bình luận 0
Tăng biên chế cho trạm y tế, liệu có ai chịu về không? - Ảnh 1.

Buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM chiều 10/11. Ảnh: B.D

Thẳng thắn trình bày thực trạng tại cuộc họp, BS Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 cho biết, cần nhất hiện nay là có thể giữ chân được nhân viên y tế.

"Hết đợt dịch Covid-19 vừa rồi, một y sĩ y học cổ truyền của trạm y tế đã đến gặp tôi xin nghỉ việc vì gia đình không thể chấp nhận một người con, người vợ mà 4-5 tháng không về nhà", BS Thái chia sẻ.

Cùng với đó là cơ sở vật chất, đặc biệt là xe cứu thương cho các trạm y tế, trung tâm y tế hiện nay rất khó khăn. BS Thái dẫn chứng đợt dịch vừa qua, trung tâm y tế quận phải sử dụng cả xe chở vật liệu xây dựng chuyển bệnh nhân cấp cứu vì không có xe.

Đại diện Trung tâm y tế huyện Bình Chánh cho biết, với địa bàn đông dân cư, việc tăng số lượng biên chế là rất cần thiết. Cùng với đó, nếu đảm bảo các chế độ, cả cho bác sĩ làm việc và bác sĩ thực hành chứng chỉ hành nghề thì sẽ thu hút được nguồn lực nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đặt thẳng vấn đề: Ai sẽ về trạm y tế trong thời gian này? Lấy nguồn từ đâu? Nếu tăng biên chế thì con người có không?

"Tôi đi xã Vĩnh Lộc B với 180.000 dân chỉ có 7 nhân viên y tế, không có bác sĩ, mỗi nhân viên y tế quản lý 25.000 dân. Quận 4 có 13 trạm y tế chỉ duy nhất có 1 trạm bổ nhiệm được trưởng trạm. Mô hình hợp tác công tư ở quận 3 thu hút được cả bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng cũng chỉ đang là thí điểm, nhiều nơi muốn làm nhưng vướng cơ chế, trong khi "xé rào" cơ chế chính sách thì rủi ro rất cao", ông Bình thẳng thắn nhận xét.

Bên cạnh đó phải tính đến vấn đề dân có đến trạm y tế hay không khi hiện nay các trạm y tế không có chế độ BHYT, không được cấp phát thuốc, không có nguồn thu từ dịch vụ.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, rất mong TP xem xét cơ chế đặc thù, giải quyết sớm tờ trình của Sở về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở vì "TP phải đi đầu về vấn đề này".


Tăng biên chế cho trạm y tế, liệu có ai chịu về không? - Ảnh 2.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM. Ảnh: B.D

Về thu hút người dân đến với trạm y tế, ông Thượng cho biết, trước khi có dịch Covid-19, TP đã áp dụng một số mô hình rất hiệu quả như đặt phòng khám đa khoa của bệnh viện tại trạm y tế tại một số địa bàn như Thủ Đức, Tân Phú…; chuyển đổi hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, kết nối với các bác sĩ chuyên khoa của thành phố. Sau khi tình hình dịch Covid-19 ổn định sẽ xem xét hoạt động tiếp các mô hình này.

"Tăng định biên cộng thêm hỗ trợ thu nhập, ký hợp đồng với người đã nghỉ hưu… thì hy vọng sẽ có nguồn nhân lực cho các trạm y tế", ông Thượng nói. Đồng thời nhấn mạnh đến việc nếu được triển khai sớm chương trình thực hành tại y tế cơ sở cho bác sĩ tốt nghiệp, mỗi năm sẽ có được 400 bác sĩ đến các trạm y tế, trung tâm y tế.

"Không phải bác sĩ sẽ thực hành hết 12 tháng ở cơ sở rồi 6 tháng về bệnh viện mà sẽ thực hành xen kẽ, có thể 3 tháng ở cơ sở sẽ về bệnh viện 1 tháng để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ…", ông Thượng giải thích.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem