Tăng hiệu quả chăn nuôi bằng công nghệ biogas

Thứ sáu, ngày 11/05/2012 08:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự án xây dựng mô hình biogas dùng túi ủ nylon có chi phí thấp, khoảng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/công trình với một số ít công lao động tự làm trong một hộ chăn nuôi, công nghệ lại đơn giản, dễ áp dụng đối với nông dân.
Bình luận 0

Ở nước ta hiện nay nhiều chương trình sản xuất khí biogas, trong đó tùy theo công nghệ mà việc đầu tư kinh phí xây dựng từ 4 - 5 triệu đến hàng chục triệu đồng. Những mô hình này mặc dù có sự hỗ trợ vốn một phần của Nhà nước hoặc nhà đầu tư nhưng đối với những vùng sâu, vùng xa và bà con nghèo khó thực hiện trên diện rộng.

img
Túi phân được ủ và thành túi khí gas CH4 gác trên mái nhà của người dân.

Chính vì thế, dự án xây dựng mô hình biogas dùng túi ủ nylon do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đầu tư kinh phí và Viện Lúa ĐBSCL chuyển giao công nghệ tại các xã Phú Lợi, Phú Mỹ và Tân Khánh Hòa, huyện Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang được bà con hưởng ứng cao. Bởi nó có chi phí thấp, khoảng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/công trình với một số ít công lao động tự làm trong một hộ chăn nuôi, công nghệ lại đơn giản, dễ áp dụng đối với nông dân.

Việc quản lý phân gia súc chăn nuôi tốt vừa góp phần giảm thiểu khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, làm cho môi trường sạch và không ô nhiễm, vừa tạo ra nhiên liệu phục vụ sinh hoạt và đời sống (tạo khí đốt phục vụ nấu ăn, thắp sáng, chạy động cơ…).

Sau khi được tập huấn thực hiện, bà con có thể tự làm và sửa chữa, thay thế từng phần hoặc toàn bộ các bộ phận khi hết hạn sử dụng (sau 4 - 5 năm). Vật liệu lại sẵn có tại địa phương (nylon, ống nhựa PVC, dây kẽm, ruột cao su…), rủi ro cũng ít hơn và dễ dàng điều chỉnh quy mô, địa điểm xây dựng. Hệ thống biogas dùng túi ủ nylon có các phần của hệ thống nổi trên mặt đất nên nếu có trục trặc, trở ngại nhỏ cũng dễ điều chỉnh, trong khi các công nghệ xây hầm bằng bê tông hoặc ngầm dưới đất khó quản lý và điều chỉnh hơn.

Đặc biệt mô hình này có hiệu quả kinh tế cao. Chưa tính hiệu quả nuôi heo, chỉ riêng biogas, bình quân mỗi năm 1 hộ dùng công nghệ này có thể tích 7 - 8m3 cung cấp khoảng 1.000m3 khí sinh học để làm chất đốt, sẽ tiết kiệm được số tiền mua gas từ 6 - 7 triệu đồng. Đồng thời, bã thải từ hầm biogas còn có thể kết hợp với các loại phế thải nông nghiệp khác và chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ sinh học, giảm thêm được ít nhất 200kg phân urê bón cho cây trồng.

Nguyên lý hoạt động sản xuất biogas khá đơn giản: Đầu tiên phân gia súc được đưa vào túi ủ phân. Qua quá trình phân hủy và lên men sau 21 ngày có thể tạo ra khí CH4 vận chuyển sang túi chứa gas. Túi chứa khí gas CH4 tùy điều kiện chăn nuôi mà tính toán thể tích túi chứa, số lượng túi và được treo trên chuồng heo, mái nhà… gần nơi đun nấu tiết kiệm không gian. Khi khí gas đủ nhiều làm cho túi căng phồng lên (sau 21 ngày hoặc hơn tùy lượng phân ở túi 1), có thể mở van để sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem