Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc gấp rưỡi trong thập kỷ tới

21/12/2019 12:58 GMT+7
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tăng tốc gấp rưỡi trong thập kỷ tới so với thập kỷ 2010-2019 hiện tại, một nhà kinh tế học thuộc Đơn vị tình báo kinh tế EIU mới đây cho hay.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc gấp rưỡi trong thập kỷ tới - Ảnh 1.

Kinh tế toàn cầu trong thập kỷ 2020 có thể tăng gấp rưỡi thập kỷ 2010

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc trong những năm gần đây, nhà kinh tế trưởng từ Đơn vị tình báo kinh tế EIU Simon Baptist nhận định rằng mô hình tăng trưởng kinh tế giờ đây đang thay đổi, và sự tăng trưởng dự kiến trước đó có thể sẽ không còn đúng đắn.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống còn 3%, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự giảm tốc kinh tế được cho là do hàng loạt xung đột địa chính trị và bất ổn thương mại trên toàn cầu, trong đó thương chiến Mỹ Trung là mối quan tâm chủ yếu.

Trong năm kết thúc thập kỷ, nhiều quốc gia trên thế giới như Hy Lạp, Iran, Libya... đã chứng kiến GDP thực tế thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP hồi đầu thập kỷ, trong khi tăng trưởng của các quốc gia như Ukraine và Ý đi ngang. Trong một báo cáo công bố hôm 20/12, ông Baptist còn cảnh báo rằng thế giới giờ đây sẽ phải làm quen với việc nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, không còn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ như trước đó.

“Tôi kỳ vọng rằng mức tăng trưởng của những năm 2020 sẽ tăng gấp rưỡi so với mức tăng trưởng những năm 2010. Các quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất sẽ là khu vực Châu Phi (trừ Nigeria), Nam - Đông Nam Á, hay các quốc gia đang hướng tới một thập kỷ dịch chuyển mạnh mẽ như Bangladesh, Kenya và Philippines” - chuyên gia kinh tế Simon Baptist cho hay.

Cũng theo ông Baptist, trái ngược với những quốc gia tăng trưởng mạnh kể trên, các quốc gia có cơ cấu dân số già như Nhật Bản, Ý, Bồ Đào Nha sẽ chứng kiến một thập kỷ mà kinh tế đi ngang. Những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga hay Thái Lan phải vật lộn với nguy cơ tăng trưởng kinh tế thu hẹp lại do những vấn đề về tài chính tiền tệ hay nhu cầu.

Một xu hướng thứ 3 mà ông Baptist đề cập tới là sự kéo dài các bất ổn chính trị, nổi bật là xu hướng phân cực giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, với hệ tư tưởng đối lập vượt xa cả cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 18 tháng nay.

“Kết cục cuối cùng là xung đột thương mại sẽ đưa các quốc gia khác cũng như những doanh nghiệp vào một tình thế khó khăn” - chuyên gia kinh tế từ EIU nhận định.

Dự đoán của ông Baptist đi ngược lại với những diễn biến lạc quan của đàm phán Mỹ Trung trong những ngày gần đây, khi hai quốc gia thống nhất đi tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo nội dung thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm để đổi lại việc Mỹ giảm thuế còn 7,5% với 120 tỷ USD hàng hóa vừa bị áp thuế hồi tháng 9. Thỏa thuận cũng đề cập tới một số vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính…

Theo Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thỏa thuận thương mại Mỹ Trung dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng 1/2020, dù rằng thị trường vẫn còn nhiều quan ngại xoay quanh một thỏa thuận như vậy. Chính người nông dân Mỹ cũng bày tỏ sự ngạc nhiên nếu Bắc Kinh thực hiện đúng cam kết nhập khẩu tới 50 tỷ USD nông sản, vì con số này vượt gấp đôi kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc năm 2017, khi thương chiến Mỹ Trung chưa bùng nổ. Một khối lượng nông sản khổng lồ tràn vào thị trường có thể sẽ gây ra những mất cân bằng trong cung - cầu, gây tình trạng bất ổn giá tiêu dùng, điều có thể trở thành rủi ro lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục