Trong các dự báo đưa ra cho phiên giao dịch ngày hôm nay (29/9), nhiều công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh mạnh hơn dù đã ghi nhận mức đáy của năm vào phiên giao dịch ngày hôm qua, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực và các rủi ro vẫn còn hiện hữu. Trải qua phiên giao dịch buổi sáng,thị trường chứng khoán tạm khép lại với sắc xanh tăng điểm.
Chia sẻ với Dân Việt, trưởng phòng phân tích tại một công ty chứng khoán cho biết: Phiên giao dịch sáng, thị trường chứng khoán được "tiếp sức" sau những thông tin tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới như chứng khoán Mỹ có phiên phục hồi tích cực, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 1,88%, chỉ số Nasdaq tăng 2,05% và chỉ số S&P500 tăng 1,97%. Chỉ số chứng khoán châu Âu cũng có diễn biến tương tự với FTSE (Anh) tăng 0,3%, CAC (Phát) tăng 0,19%.
Trong nước, thông tin về tăng trưởng kinh tế thần tốc trong quý III/2022 cũng đã tác động tới xu hướng của thị trường trong phiên sáng. Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý III/2022 của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, khiến tăng trưởng 9 tháng đạt trên 8,83%, mức tăng cao nhất với cùng kỳ so sánh trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thông tin vĩ mô tích cực cũng không thể cản được đà rơi trong phiên chiều, khi lực cung gia tăng trong, bên nắm giữ tiền mặt không vội vàng, VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index rớt 17,55 điểm, xuống còn 1.126,07 điểm, tương ứng mức giảm 1,53%. Số mã giảm trên sàn chiếm áp đảo mới 347 mã, trong khi chỉ có 118 mã tăng. Tại HNX, HNX-Index cũng "bốc hơi" 7,17 điểm (tương ứng giảm 1,66%).
Tại sao VN-Index và giá cổ phiếu giảm sâu bất chấp tin tốt từ Tổng cục Thống kê?
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Trần Thị Hải Yến – chuyên gia phân tích cho biết, thị trường đang "downtrend", vì vậy các hàn thử biểu phản ánh tin xấu nhiều hơn tin tốt. Hơn nữa, thông tin vĩ mô như tăng trưởng GDP tăng vọt trong quý III/2022 đã được dự báo từ trước đó.
"Thông tin tăng trưởng GDP cao không phải là bất ngờ với thị trường và đã phản ánh vào xu hướng của thị trường trước đó. Thực ra, thị trường phản ánh theo kỳ vọng chứ không phản ánh theo tin thực tế. Khi thị trường downtrend mọi cú đẩy sẽ rất ngắn và áp lực bán vẫn thắng thế nhiều hơn. Vì vậy thị trường giảm", bà Yến phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, lo ngại hiện nay là những bất ổn của thế giới và dòng tiền trong nước bị thắt chặt. Khi lãi suất lên, tiền tệ thắt chặt dòng tiền sẽ thoát ra khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, sau 5 phiên giảm điểm liên tục với biên độ mạnh, thị trường sẽ hồi phục trong 1,2 phiên tới. Và trong 15 ngày tới, thị trường cũng sẽ được "đỡ" bởi kết quả kinh doanh quý III/2022.
Dù vậy, những rủi ro bất định về kinh tế thế giới vẫn chưa được phản ánh hết, do đó có thể sẽ còn một đợt giảm điểm trong thời gian tới. Hay nói cách khác, mức điểm hiện tại của VN-Index vẫn chưa phải là đáy.
Một chuyên viên phân tích khác dự báo, thị trường sẽ hồi phục trong 1 vài phiên tới về mức 1.170 điểm. Tuy nhiên, sau đó sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty Tư vấn Đầu tư FIDT nhận định, trong ngắn hạn thị trường chứng khoán chịu sự ảnh hưởng của dòng tiền. "Khi lãi suất tăng như hiện nay, dòng tiền rút khỏi thị trường nên chỉ số không thể đi lên", ông Tuấn nhận định.
Nhà đầu tư chán nản, bỏ cuộc chơi
Chia sẻ với PV, nhà đầu tư Vũ Bích Hồng (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, so với đầu năm nay, danh mục đầu tư dù sau nhiều lần cắt lỗ và cơ cấu lại danh mục song vẫn "lỗ sấp mặt".
"Tài khoản lỗ tới 40%, thời gian này không dám mua thêm một phần vì không còn nguồn tiền để đầu tư, phần là vì nản. Không còn tâm lý bắt đáy, bắt dao rơi gì nữa", chị Hồng nói.
Dù mức thua lỗ ít hơn nhưng anh Ngô Hùng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng không giấu nổi tâm lý chán nản khi thị trường "đỏ lửa".
"Đồng nghiệp tôi cũng nhiều người không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm, mà chấp nhận cắt lỗ. Đặc biệt, sau cú sập tháng 4/2022 và thời gian thị trường rung lắc mạnh vừa qua nhiều người rời bỏ thị trường. Nhiều dự báo thị trường còn tiếp tục giảm, nhưng tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm tăng trở lại, chứ cứ giảm hoài thì sốc lắm", anh Hùng than thở.
Chị Thùy Liên cũng bày tỏ mệt mỏi khi nhìn bảng điện tử trong những ngày vừa qua. "Ra mọi loại đảo của đảo, chứng khoán chán quá không muốn làm việc", chị Liên ví von.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty Tư vấn Đầu tư FIDT, nhà đầu tư nếu đang thua lỗ cần phải chấp nhận sự thất bại trong giai đoạn này thay vì nôn nóng tìm cách gỡ gạc rồi dẫn đến thêm nhiều quyết định sai lầm, thiệt hại càng nặng nề. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh thị trường luôn tồn tại cơ hội nên nhà đầu tư vẫn có cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Một số nhóm ngành có tính chất phòng thủ mà nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích cơ bản như điện, nước, bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế, dược phẩm. Ngoài ra, Việt Nam được dự báo vẫn sẽ là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài nên các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng cũng có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, với từng nhóm ngành, nhà đầu tư phải sàng lọc, cân nhắc kỹ càng để lựa chọn đúng cổ phiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.