Tăng viện phí từ 1.3: Người nghèo sẽ được bao bọc?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 25/02/2016 06:29 AM (GMT+7)
Các bệnh viện (BV) đang rục rịch tăng viện phí. Nhóm người nghèo đã được “bao bọc” khá kỹ, tuy nhiên người có thu nhập trung bình nếu không mua bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chịu gánh nặng lớn.
Bình luận 0

Chưa có thay đổi lớn

Ngày 23.2, Bộ Y tế đã kiểm tra và chấm cho BV Sản nhi Quảng Ninh 92/100 điểm – điểm về chất lượng, cao nhất trong các BV đã được Bộ chấm điểm. “Chúng tôi xác định bệnh nhân là “khách hàng”, là “người trả lương” nên đã quán triệt việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có thái độ phục vụ đúng mực, nhiệt tình” – ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc BV Sản nhi Quảng Ninh khẳng định.

img

Người dân phấp phỏng với viện phí mới. Ảnh chụp tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.  
Ảnh: Tuấn Kiệt

Theo ông Hùng, hiện BV đã sẵn sàng cho việc tăng viện phí. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có BHYT lần tăng viện phí trong tháng 3 chưa có sự thay đổi lớn. “Tại BV, bệnh nhi dưới 6 tuổi đều được BHYT thanh toán 100%, các ca mổ đẻ cũng chỉ phải đồng chi trả khoảng 200.000 đồng/ca, ca đẻ thường chỉ khoảng 100.000 đồng. Do đó, nếu viện phí tăng 30%  không phải là thay đổi lớn” – ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, việc tăng viện phí chỉ có tác động lớn với bệnh nhân chưa có BHYT. “Đối với người nghèo, phải cấp cứu mà không có thẻ BHYT thì thực sự khó khăn. Việc quan trọng nhất là tuyên truyền cho người dân mua BHYT” – ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Phúc – Giám đốc BV Việt Nam – Cuba (Hà Nội) cho biết, BV cũng đã sẵn sàng cho ngày tăng viện phí. BV đã đầu tư nhiều trang thiết bị, cải tạo phòng khám để phục vụ người bệnh tốt hơn. Theo ông Phúc, BV có hơn 75.000 thẻ BHYT ban đầu. Với quy định khám chữa bệnh thông tuyến mới, nếu BV không làm tốt sẽ không có bệnh nhân. “Khi viện phí tăng và tiến tới ngang giá thị trường thì cán bộ y tế càng áp lực. Vì Nhà nước hết bao cấp, người bệnh đòi hỏi cao hơn, nên mọi bộ phận đều tự điều chỉnh thái độ phục vụ chu đáo, nhẹ nhàng với người bệnh, coi người bệnh là trung tâm để phục vụ hết mình” – ông Phúc nhận định.

Sẽ đầu tư cho người nghèo

Hiện vẫn còn hơn 23% người dân chưa có thẻ BHYT. Thời gian tới, Nhà nước sẽ tăng viện phí đồng loạt, nhóm này sẽ bị tác động mạnh, trong đó vẫn còn tỷ lệ lớn người cận nghèo, nông dân có thu nhập trung bình… Thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách, vận động để nhóm này có thẻ BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã chuẩn bị các phương án để trợ giúp người nghèo, người cận nghèo để họ không bị khó khăn khi viện phí tăng. “Hiện có khoảng 23,7 triệu dân là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được cấp miễn phí thẻ BHYT, đồng thời được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Còn người cận nghèo thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT” – ông Liên cho biết.

Ngoài ra, hiện hơn 20 tỉnh đã trích ngân sách hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người cận nghèo từ 10-30% mệnh giá thẻ, cộng với mức hỗ trợ của Nhà nước để họ được cấp miễn phí thẻ BHYT hoặc chỉ còn đóng tiền ở mức thấp nhất. Các nhóm khác như học sinh sinh viên, nông dân có thu nhập trung bình cũng được hỗ trợ 30-50% mệnh giá thẻ BHYT.

Để thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, năm 2016, BHXH Việt Nam vẫn cho phép “mua lẻ” BHYT theo cá nhân. 

Ông Liên khẳng định, khi viện phí tăng chất lượng khám chữa bệnh cũng sẽ được nâng cao. “Lần tăng viện phí năm 2012, Bộ Y tế đã quy định các BV phải trích 15% tiền khám bệnh để đầu tư cho cơ sở khám chữa bệnh. Hầu hết các BV đã có đầu tư, cải tạo phòng khám như làm mới phòng khám, mua điều hoà, quạt, ghế chờ, treo biển hướng dẫn, tăng bàn khám… Lần này, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét để đưa ra quy định yêu cầu các BV đầu tư nâng cao chất lượng” – ông Liên chia sẻ./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem