Xu hướng tự động hoá, robot hoá trên thế giới không cưỡng được. Công ty dệt Parkdale Mills ở Gaffney, Nam Cali, chỉ sử dụng 140 công nhân cho một năng lực sản xuất mà năm 1980, nghĩa là 33 năm trước, phải cần đến 2.000 lao động. Hiện nay, một số công ty Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất về Mỹ, như Dow Chemicals, Caterpillar, GE, Ford; Google tuyên bố cũng rút sản xuất Nexus Q streaming media player về Mỹ. Tương tự, chiếc xe tiên tiến nhất Tesla Model S, được sản xuất tại thung lũng Silicon, một trong những vùng đắt đỏ nhất ở Mỹ. McDonald’s cũng đang trên đường robot hoá. Trong tương lai không xa, sản xuất của Mỹ có thể không còn nằm ở Trung Quốc nữa, mà sẽ quay về Mỹ để robot làm việc! Ngay tại Trung Quốc, tập đoàn Đài Loan Foxcom Technology, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới, mới tuyên bố kế hoạch lắp đặt 1 triệu robot trong vòng ba năm tới, để làm những công việc mà lao động Trung Quốc hiện đang làm!
Mục đích của đại học
Vai trò của tri thức và đại học được vị cựu chủ tịch xuất sắc nhất của đại học Califorina, Clark Kerr, diễn tả như sau: “Trong mắt của công chúng, các diễn viên trên vũ đài thế giới có thể là các vận động viên và các chính trị gia, tướng lãnh và nhà ngoại giao, nhưng không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viện, những thứ vốn ở hậu trường, nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra”.
Tạo ra tri thức mới, đào tạo những người đàn ông và phụ nữ có thể sử dụng tri thức mới… Đó là những nhiệm vụ của đại học California trong một thời đại khi mà giá trị của tri thức là hiển nhiên hơn bao giờ hết so với trước đây – một thời đại của sự triển khai trí tuệ thần thoại nhất trong lịch sử nhân loại. Đó có thể là một thời đại vàng đích thực trong đời sống của đại học California, và có thể trở thành một thời đại vàng của nhân loại”.
Clark Kerr, vị cựu chủ tịch xuất sắc nhất của đại học Califorina từng nói: "Không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viên, những thứ vốn ở hậu trường, nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra"
Nhà vật lý hạt nhân Mỹ giải Nobel Steven Weinberg từng minh hoạ tầm quan trọng to lớn của đại học nghiên cứu đối với sự phồn vinh của xã hội bằng những lời quyết liệt như sau: “Tôi tin rằng không có các đại học nghiên cứu lớn, chúng ta ở Mỹ sẽ phải tự nuôi sống bằng cách trồng đậu nành, và giới thiệu Grand Canyon cho du khách từ Đức và Nhật Bản”.
Dòng chảy của tri thức khoa học cơ bản về thế giới tự nhiên thu hoạch được từ thời Khai sáng đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và những đổi mới sáng tạo kỹ thuật, gây ra sự biến đổi kinh tế lớn lao đầu tiên ở phương Tây (Joel Mokyr). Vai trò của đại học thể hiện đặc trưng nhất qua mối quan hệ giữa đại học Stanford với thung lũng Silicon, đại học Harvard và MIT với tuyến đường 128, Boston. Cụ thể, các cựu sinh viên MIT đã khởi nghiệp hơn 5.000 công ty, trong đó có Intel, Bose, Texas Instruments, và sử dụng hơn 1 triệu nhân viên, làm ra doanh thu hơn 230 tỷ USD/năm, cho thấy sức mạnh to lớn của đại học. Jaron Lanier, một chuyên gia Mỹ đẳng cấp về công nghệ thông tin, cho rằng 1.000 “quái kiệt” công nghệ thông tin nếu hợp lại có thể thay đổi cả nền kinh tế thế giới. Việt Nam chắc chỉ cần vài chục.
Đó là lý do chúng ta cần nâng cấp đại học một cách quyết liệt, để nâng cao đóng góp của đại học vào sự phồn vinh của xã hội và quốc phòng. Các trường đại học phải là trung tâm cung cấp tri thức cho nền kinh tế. Không có đại học nghiên cứu, không thể phát triển công nghiệp hoá và khởi nghiệp chất lượng cao. Cần phải gấp rút làm như thế, cần được tư vấn dài hạn, và có chương trình hợp tác với Stanford, Hardvard và MIT có trọng tâm để từng bước tạo nên những đại học đẳng cấp thế giới. Một đảo quốc nhỏ như Singapore cũng đã giành được sự hợp tác của ít nhất mười đại học đẳng cấp thế giới, trong đó có đại học Graduate School of Business của Chicago, MIT, đại học y khoa Duke và đại học Yale. Trung Quốc đã và đang làm việc này quyết liệt, thuê chuyên gia Mỹ thiết kế China Ivy League để cạnh tranh với Ivy League Mỹ. Họ mua tri thức một cách ồ ạt chưa từng có, y như Nhật Bản từng làm trước đây.
Môi trường thông minh
Muốn phát triển khoa học, công nghệ, cần tạo ra môi trường văn hoá thông minh, truyền cảm hứng và kích thích óc tò mò, sáng tạo, kèm theo một cơ chế đãi ngộ xứng đáng dựa trên năng lực. Không phải ngẫu nhiên mà các phát minh quan trọng nhất về khoa học, công nghệ lại diễn ra ở những quốc gia phát triển với hạ tầng văn hoá và tri thức, như các viện bảo tàng khoa học, công nghệ, đài quan sát thiên văn, mạng lưới thư viện. Môi trường thông minh sẽ có hệ quả là làm tăng chỉ số thông minh trung bình IQ của con người trong đó (Hiệu ứng Flynn).
Hiện Việt Nam chưa có một tạp chí khoa học đại chúng kiểu như Nature, Science hay Scientific American, cũng như các tạp chí chuyên ngành, để giúp đại chúng hoá và kích thích nghiên cứu khoa học. Sách, sách hay, sách thông minh, sách để hiểu thế giới và xây dựng đất nước, là nguồn tri thức vô tận của nhân loại mà không một xã hội phát triển nào có thể thiếu. Đọc sách không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà quan trọng hơn là việc làm của lòng yêu nước để phát triển đất nước và hoàn thiện con người. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức. Những món hàng nhập khẩu đầu tiên từ phương Tây của Nhật Bản thời Minh Trị là sách. Người Nhật muốn hiểu biết thế giới phương Tây để chấn hưng đất nước họ. Cần có nhiều mảng du lịch xanh để thư giãn lành mạnh. Cần phải có thêm tên đường hay trường học đặt theo tên những nhà khoa học vĩ đại của lịch sử, như Newton, Galilei, Einstein… và tên những nghệ sĩ vĩ đại như Mozart, Beethoven, Bach, v.v. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là phải có chính sách đãi ngộ tốt đối với các nhà khoa học.
Cần quy tụ và kết nối các tài năng Việt, và khách mời nước ngoài để tạo ra thời kỳ phục hưng trí tuệ cho Việt Nam, như dòng họ Medici của Florence, từng quy tụ tài năng để tạo ra phục hưng cho châu Âu, được gọi là Hiệu ứng Medici. Cụ thể thành phố cần có một sân chơi như diễn đàn TED cho công nghệ, giải trí, thiết kế (technology, entertainment, design) của TP New York, nơi mà tất cả tài năng, nổi tiếng cũng như chưa nổi tiếng, các nhà khoa học giải Nobel hay các tỷ phú công nghệ, thường lui tới để trình bày ý tưởng của họ. Bill Gates cho rằng: “IQ tập thể của những người tham dự là lớn khủng khiếp”.
Nguyễn Xuân Xanh (Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.