Sẽ có hệ thống cảng biển lớn ở ĐBSCL?

10/12/2019 12:40 GMT+7
" Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có một cảng lớn để có thể xuất nhập hàng hóa bởi nếu đi qua TP.HCM, qua các cảng nhỏ thì chi phí rất cao. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ và sẽ có chủ trương xây dựng thêm hệ thống cảng biển tại khu vực này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức ngày 10/12 tại TP. Cần Thơ với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản", lãnh đạo các Bộ, Ngành đã trả lời nhiều câu hỏi trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ĐBSCL cần có cảng lớn để xuất nhập hàng hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước- đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trước những câu hỏi của các đại biểu về phát triển giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: "Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận đi ngang tỉnh Tiền Giang".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ĐBSCL cần có cảng lớn để xuất nhập hàng hóa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

"Vừa qua Chính phủ đã bố trí 2.186 tỷ, phần tiền này đang được UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư tiến hành giải ngân. Các nhà tín dụng cũng cam kết hỗ trợ 1.000 tỷ, dự kiến tuyến đường này sẽ được làm suốt trong thời gian Tết Nguyên Đán", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cuối năm 2020, từ Trung Lương - Mỹ Thuận chúng ta có thể đi xe trên đường đá, trên một số đoạn nhựa. Các đoạn khác chúng tôi cũng đang tập trung triển khai, nếu hoàn thành thì tuyến Quốc lộ 1 đi qua Tiền Giang sẽ giảm áp lực rất nhiều vì có cao tốc mới.

"Chúng tôi nghĩ ĐBSCL cần có một cảng lớn để có thể xuất nhập hàng hóa, nếu đi qua TP.HCM, qua các cảng nhỏ thì chi phí rất cao. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu, có chủ trương xây dựng thêm hệ thống cảng biển", đó là những gì mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ tại Hội nghị.

Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cho biết thêm, Tập đoàn SunGroup cũng đã có cam kết sẽ hỗ trợ. Nếu cảng được xây dựng, chi phí vận tải sẽ được giảm khá rất lớn, tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa khu vực ĐBSCL. 

"Về đường bộ, Bộ GTVT có 2 chủ trương. Đa số đường bộ hiện nay của chúng ta đang láng nhựa, trong nhiệm kỳ tới chúng tôi dự kiến trình Chính phủ nâng cấp 1.000 km bằng bằng thảm nhựa, vận chuyển hàng hóa sẽ tốt hơn rất nhiều.

Thứ hai một số đường cao tốc cần phải hoàn thành. Riêng đối với hệ thống đường bộ cao tốc, ưu tiên đầu tư các tuyến như: tuyến N2 kết nối từ Long An đến Kiên Giang, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Trung Lương đến Cà Mau, tuyến cao tốc trục ngang đoạn Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn An Hữu – Cao Lãnh, đoạn Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuyến cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành trước 30/4/2021; tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ đang được Bộ GTVT tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành năm 2022.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT đường bộ ở ĐBSCL yếu do nhiều nguyên nhân. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ để đảm bảo sự cân bằng giữa các vùng miền, đảm bảo hệ thông giao thông tốt. "Chúng ta cần phát huy hệ thống giao thông đường thủy bằng cách có những cơ chế chính sách để hình thành các DN vận tải thủy, các công ty nhỏ liên kết lại thành các công ty tập đoàn để đủ sức cạnh tranh, đảm bảo khai thác có hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Thế Anh
Cùng chuyên mục