Nhiều loại trái cây “độc”, lạ
Anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp Phú Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) – “cha đẻ” của dừa tạo hình, in chữ cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị khoảng 2.000 sản phẩm để giao cho các khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Theo anh Tâm, sản phẩm dừa tạo hình, in chữ của anh rất khác biệt nên thị trường rất quan tâm. Để không phụ lòng mọi người, anh luôn tìm cách cải tiến sản phẩm.
Sản phẩm dừa tạo hình, in chữ của anh Huỳnh Thanh Tâm.
“Cải tiến của dừa in chữ là làm được kiểu chữ thư pháp mới, điều mà trước đây tôi từng cho là “không tưởng” bởi tính phức tạp, khó làm của nó. Theo đó, chữ to hơn, có thể từ 1 – 4 chữ trên cùng một trái, chữ được in sâu hơn vào thân trái… Còn về dừa hồ lô thì eo trái nhìn rõ hơn, đồng đều và đẹp hơn” – anh Tâm chia sẻ.
Theo anh Tâm, hiện nay, ngày nào cũng vậy, người dân và khách ở nhiều nơi trên cả nước đều tìm đến nhà anh để học hỏi, trao đổi và đặt mua sản phẩm.
Người dân TP.Sa Đéc chăm sóc hoa Tết. Ảnh: H.X
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ tổ chức thí điểm mô hình bán hoa Tết kiểu mới đó là bán đấu giá. Theo đó, sẽ có 2.000 chậu cúc mâm xôi được tổ chức bán đấu giá công khai vào những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Được biết, những chậu cúc mâm xôi này được chăm sóc tốt, cho hoa lớn và giá khởi điểm được đưa ra là 100.000 đồng/chậu.
|
Tương tự, ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm CLB sản xuất trái cây tạo hình ở Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, câu lạc bộ của ông sẽ cho ra thị trường khoảng 2.500 trái bưởi tạo hình. Do việc tạo hình bưởi tốn khá nhiều thời gian và phải bắt đầu ép khuôn từ lúc trái này còn nhỏ nên đến nay, các công đoạn đã gần như hoàn tất.
Ông Thành tiết lộ: “Tết tới đây, tôi sẽ cho ra đời sản phẩm mới là bưởi hồ lô Tài Lộc thư pháp, với khoảng 400 trái. Sản phẩm kiểu chữ thư pháp nổi này được tôi đầu tư nhiều về số lượng, công sức cũng như tâm huyết, trông rất lạ mắt nên ai thấy cũng sẽ mê cho coi. Thời gian qua, nhiều khách hàng đã gọi điện đặt hàng loại sản phẩm này”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, anh Huỳnh Thanh Khoa (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, mấy ngày qua, nhiều người ở TP.HCM tìm đến vườn nhà ông để hỏi mua sản phẩm xoài in chữ. Anh Khoa tính, từ nay đến Tết, số lượng khách đến sẽ càng tăng. Dự kiến, năm nay anh sẽ làm khoảng 5.000 trái xoài in chữ.
Một sản phẩm mới, sẽ xuất hiện trên thị trường Tết Nguyên đán năm 2017 ở ĐBSCL là đu đủ in chữ. Chị Nguyễn Thị Ướm – đại diện nhóm nông dân sản xuất đu đủ in chữ xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thông tin, sẽ sản xuất từ 1.200 -1.400 trái. Sản phẩm này hiện rất được ưa chuộng.
Đa dạng chủng loại hoa kiểng
Ghi nhận của phóng viên tại vùng hoa kiểng huyện Chợ Lách (Bến Tre), những ngày này không khí sôi động hẳn lên. Theo đại diện Cơ sở Hoa cảnh Năm Công (ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B) – nơi sản xuất kiểng thú, kiểng tạo hình, cây cảnh công trình (phần lớn được làm từ cây si) theo đơn đặt hàng, nơi đây vừa bán trên 10 con kiểng gà cho khách với giá trên 1 triệu đồng/con. Cơ sở này đang chuẩn bị làm thêm nhiều kiểng gà bán Tết.
“Kiểng gà năm nay cũng được nhiều đơn đặt hàng, phần lớn là khách trong vùng ĐBSCL. Sau đợt bán vừa rồi, chúng tôi đang làm thêm số lượng kiểng gà mới để trưng bày. Khi khách muốn mua liền hoặc muốn xem thử hàng thì mình đều có thể đáp ứng” – ông Nguyễn Văn Công – chủ Cơ sở Hoa cảnh Năm Công nói.
Chủ nhiều cơ sở sản xuất, tạo hình kiểng khác ở xã Hưng Khánh Trung B cho biết, đang tranh thủ thời gian để làm ra kiểng gà từ cây tắc (quất). Ngoài đơn đặt hàng đã có, nơi đây chủ động sản xuất để đem đi bán tại các chợ hoa kiểng lớn vào dịp cận Tết.
Nhiều nhà vườn cũng nỗ lực chăm sóc số giỏ hoa đang trồng để bán đúng vào dịp Tết. Phần lớn, các nhà vườn không trồng chuyên một loại hoa mà sản xuất đa dạng chủng loại. Theo Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách, ngoài các sản phẩm truyền thống như mai, tắc, bông giấy, cúc, vạn thọ thì các sản phẩm mới đang được sản xuất với số lượng lớn là kiểng treo, kiểng lá…
Ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách nói: “Năm nay, nông dân đưa ra thị trường nhiều giống hoa mới, rất đa dạng và phong phú, sẽ đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng. Theo thống kê, năm nay diện tích hoa kiểng tăng thêm 200ha, tổng số có hơn 470ha, cung cấp cho thị trường hơn 1.000 chủng loại hoa kiểng các loại”.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, một số giống hoa mới đã được nông dân làng hoa kiểng TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) trồng. Ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Sa Đéc thông tin, năm nay có nhiều giống mới như hoa hồng leo, dạ yến thảo rủ, một số giống hoa ly mới, các giống cúc đồng tiền có màu sắc khác lạ. Ngoài ra còn các loại cây kiểng trang trí nội thất như hoàng kim mới, gấm may mắn...
Làng đào tất bật
Nhiều tuần nay bà con ở các vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) đã tấp nập chăm sóc, tuốt lá vận chuyển… và tràn đầy hy vọng có một vụ đào Tết bội thu.
Cách đây cả tháng, ông Tuấn (ở Phú Thượng) đã thuê lao động tuốt lá đào. Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Văn Quyết (55 tuổi) ở phường Phú Thượng đang tưới nước, chăm đào tại vườn, phấn khởi cho hay, mặc dù còn 1 tháng nữa mới tới tết nhưng từ vài ngày nay, nhiều chủ buôn đã tới vườn thăm đào, đặt giá để mua. “Năm nay dù thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng đến giờ thấy đào cũng phát triển đẹp, cây bung tán đều và đã nảy lộc, một số cây đã đơm hoa đều, màu thắm nên nhiều chủ buôn rất thích. Họ đang trả tôi 500.000 đồng/cành đào loại 1. Loại 2, loại 3 (cành nhỏ, hoa ít hơn) thì khoảng 200.000-300.000 đồng/cành. Nếu bán buôn không hết, tôi mang ra chợ hoa bán” - ông Quyết nói.
Cách đó chừng 100m, vườn đào gần 1ha với khoảng 700 gốc của ông Tuấn cũng đang được rất nhiều thương lái săn đón, trả giá. Trong vườn này có khoảng 300 cây đào, còn lại là đào cành. Ngoài việc trồng đào cây, ông còn đặt mua cả những gốc đào đá từ miền núi về và ghép mắt. Để tuốt lá được số đào này, ông Tuấn đã phải thuê 5 lao động làm việc suốt trong 2 tuần. Tuốt lá xong lại gò đào (buộc đào), đánh gốc mang tập kết sẵn ngoài khu vỉa hè ở đường Lạc Long Quân.
“Tính ra chỉ nguyên tiền thuê lao động, tiền thuê xe tải vận chuyển gốc đào, tiền phí nộp thuê vỉa hè… đã mất khoảng 30 triệu đồng. Đấy là chưa kể tiền phân, giống, công chăm sóc… Vất vả, chi phí nhiều nhưng thu hoạch cũng khá. Như năm ngoái nhà tôi thu hơn 1,2 tỷ đồng, lãi khoảng 2/3” - ông Tuấn tiết lộ. Chỉ tay vào những gốc đào sần sùi, thân cây uốn lượn, tạo hình cầu kỳ, ông Tuấn cho biết: “Những gốc đào từ 5-7 năm tuổi có giá khoảng 8 triệu đồng/cây, thậm chí những gốc đào đá to, đẹp có thể lên tới 20-25 triệu đồng/cây...
Ngoài việc bán đứt đoạn, ông Tuấn cũng nhận cho thuê đào. Nếu muốn thuê khách chỉ phải trả một nửa số tiền viết hợp đồng là sẽ nhận được đào, chơi Tết xong lại trả lại đào.
Không chỉ người trồng đào phấn khởi, nhiều dịch vụ ăn theo như chở đào, đánh gốc, xe tải… cũng được dịp “hốt bạc”. Từ nhiều ngày nay, anh Nguyễn Văn Luận (Hà Đông, Hà Nội) đã túc trực tại vườn đào của của người chú vợ ở Phú Thượng. Nghề chính của anh là làm quản lý cho một xí nghiệp xe bus ở Hà Nội. Công việc đơn giản lại tốn ít thời gian và có thể điều hành từ xa nên anh tranh thủ sang vườn đào nhận đánh gốc và chở đào cho khách. Ngoài ra, anh Luận còn chụp ảnh những cây đào đẹp đưa lên mạng, nếu có khách nào ưng, chọn mua thì anh lại đem bán để ăn chênh lệch. “Tính ra ngày cũng được 700.000-800.000 đồng, có ngày kiếm tiền triệu” - anh Luận nói. Như năm trước, chỉ trong khoảng chục ngày Tết, anh thu được 17 triệu tiền công từ việc chở đào, bán đào và đánh gốc đào.
Minh Nguyệt
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.