Tàu cá vỏ thép “lởm” thuộc biên chế của Vinashin

Đình Thắng (thực hiện) Thứ ba, ngày 29/03/2016 17:45 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với Dân Việt sau khi xuất hiện những phản ánh về tàu cá vỏ thép đóng mới (thuộc diện hỗ trợ của Nghị định 67) nhanh chóng hư hỏng sau vài chuyến ra khơi.
Bình luận 0

Vừa qua một số chủ tàu cá tại các tỉnh miền Trung đã trả lại các tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ với lý do tàu chỉ mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn đã hư hỏng gây thiệt hại kinh tế cho ngư dân. Tổng cục Thủy sản có nắm được vấn đề này không thưa ông?

- Tổng cục Thủy sản đã nắm bắt được tình hình và đã có đoàn kiểm tra vào các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi nơi mà các ngư dân trả lại tàu cho các công ty đóng tàu để làm rõ vấn đề. Quả thật các tàu vở sắt này sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã xuống cấp rất nhanh, điều này đặt dấu hỏi lớn về chất lượng các tàu này. Sau khi xác minh, kiểm tra và làm rõ sự việc thì chúng tôi mới hay rằng các tàu cá này không thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ.

img

Anh Lê Văn Sang (Đà Nẵng) đồng sở hữu con tàu vỏ thép mang tên Sang Fish 01 mới đây đã quyết định trả tàu lại cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: VnExpress

Trước khi có Nghị định 67, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã tận dụng sắt thép dư thừa, đáp ứng nhu cầu công việc cho lao động nhàn rỗi của mình nên đã nghĩ ra ý tưởng đóng hơn 10 tàu cá vỏ thép để bán hoặc cho thuê. Khi Nghị định 67 ra đời (10.2014), Vinashin đã nhiều lần gửi công văn sang Tổng cục Thủy sản để xin đưa các tàu này vào diện được hưởng lợi từ Nghị định 67, tuy nhiên mục đích và điều kiện không phù hợp nên đã không được chấp thuận. Vì theo Nghị định này tàu cá phải được ngư dân đề xuất lên và đủ điều kiện thì mới được hưởng chính sách. Vậy nên sau khi đóng xong thì Vinashin đã cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... thuê và trả tiền theo hợp đồng giữa 2 bên đã ký. Tuy nhiên sau khi ngư dân sử dụng một thời gian ngắn tàu đã hư hỏng nhiều nên họ đã trả lại tàu.

Vậy ai sẽ xử lý những thiệt hại về kinh tế của ngư dân từ việc hỏng hóc của các con tàu này thưa ông?

- Rõ ràng đây là vụ việc dân sự liên quan đến hợp đồng đã ký giữa Vinashin và ngư dân thuê tàu, sự thật là bên nào cũng thiệt hại, ngư dân cũng thiệt hại và Vinashin cũng vậy. Trong những lần đi kiểm tra sự việc tôi đã xem hợp đồng đó, phía Vinashin cho ngư dân thuê lại trong 10-20 năm, và ngư dân trả tiền từng năm đến lúc số tiền ngư dân trả bằng 90% giá trị con tàu thì Vinashin sẽ chuyển quyền sở hữu tàu cho ngư dân. Và rõ ràng đến lúc này thì ai cũng thiệt, đây là vấn đề dân sự giữa 2 bên và sẽ được xử lý theo đúng pháp luật.

img

Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT)

Trở lại với câu chuyện thực hiện Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép mới, những kết quả ban đầu như thế nào rồi thưa ông?

- Đến thời điểm này chúng tôi đã phê duyệt 1.062 tàu cá được đóng theo Nghị định 67, trong đó có ½ số tàu gỗ công suất lớn, phần còn lại là tàu cá vỏ thép, trong số 1.062 tàu được duyệt, có tới 100 tàu có công suất lớn trên 1.000 CV. Ngân hàng đã giải ngân để đóng 400 tàu, có 132 tàu đã đóng xong và đi vào hoạt động, số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, đến tháng 8 năm nay sẽ có thêm nhiều tàu cá vỏ thép được hạ thủy.

Vậy có những khó khăn gì trong quá trình thực hiện Nghị định 67 không thưa ông?

- Dĩ nhiên là có nhiều khó khăn và chúng tôi đã nỗ lực để giải quyết những khó khăn đó để ngư dân yên tâm ra khơi. Những hạn chế trong Nghị định 67 đã được tháo gỡ bằng Nghị định 89, Nghị định sửa đổi Nghị định 67. Có thể nhận thấy sự vui mừng phấn khởi của ngư dân khi họ có tàu mới chất lượng để ra khơi. Nhiều ngư dân cũng cho biết các chuyến ra khơi bằng tàu mới thu lại kết quả rất tốt, năng suất đánh bắt cao và trên hết là họ cảm thấy rất yên tâm với việc ra khơi.

Xin cảm ơn ông!

Nghị định 67 được ban hành với một số chính sách hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy sản, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, hình thành phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản. Nghị định 67 quy định đầy đủ, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ các vùng biển nước ta. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem