Tàu giã cào làm hại ngư dân

Thứ ba, ngày 13/05/2014 09:59 AM (GMT+7)
Tình trạng tàu giã cào gia tăng hoành hành ở vùng biển gần bờ của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khiến môi trường biển bị tận diệt, ngư lưới cụ của ngư dân bị phá hoại ngày càng nhiều.
Bình luận 0
Ngư dân điêu đứng

Ông Lê Ế ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang là một trong số rất nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ ở địa phương này bị đẩy vào cảnh điêu đứng do sự hoành hành của tàu giã cào (tàu lưới kéo). Ông Ế cho biết, hầu như ngày nào ở vùng biển ven bờ của xã cũng có trên 10 tàu giã cào công suất lớn từ các tỉnh khác tràn vào đánh bắt hải sản. Tình trạng này khiến hệ sinh thái môi trường gần bờ và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng.

Ngư dân đánh bắt ven bờ ở xã Phú Thuận điêu đứng trước sự hoành hành của tàu giã cào.
Ngư dân đánh bắt ven bờ ở xã Phú Thuận điêu đứng trước sự hoành hành của tàu giã cào.

Đặc biệt, sự hoành hành của tàu giã cào khiến ngày càng có nhiều ngư dân bãi ngang nơi đây bị phá hoại ngư lưới cụ. “Gia đình tui đã có nhiều tay lưới bị tàu giã cào kéo phăng và xé toạc, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Rất nhiều hộ ngư dân khác nơi đây cũng đã bị tàu giã cào phá hỏng phương tiện làm ăn nên cuộc sống điêu đứng”- ông Ế bức xúc. Nhiều ngư dân khác ở Phú Thuận cho biết, nếu tình trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ bị tận diệt và ngư lưới cụ của họ bị tàu giã cào phá hoại không dừng lại thì chắc chắn họ phải bỏ nghề.

Tương tự, tại vùng biển gần bờ của nhiều xã khác thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên- Huế, tình trạng tàu giã cào hoành hành cũng ngày càng gia tăng. Những tàu giã cào này chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Trước tình trạng nguồn sống bị hủy hoại, nhiều ngư dân xua đuổi tàu giã cào và yêu cầu bồi thường thiệt hại thì lập tức bị đe dọa hành hung. “Mới đây, khi bị tàu giã cào phá hỏng lưới, tui cho tàu đuổi theo nói phải trái thì họ dọa đâm chìm tàu của tui”- ngư dân Nguyễn Hóa ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) kể.

Khó ngăn chặn

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm 2013, Chi cục đã xử lý 24 tàu giã cào ngoại tỉnh xâm hại vùng biển gần bờ của tỉnh. Cuối tháng 4 vừa qua, Chi cục bắt giữ và xử phạt 2 tàu tàu giã cào công suất lớn của các ông Kim Văn Lóc và Nguyễn Chái (cùng ngụ tỉnh Bình Định) với số tiền 48 triệu đồng. Cùng thời điểm này, Đồn Biên phòng Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cũng phát hiện và bắt 2 tàu giã cào của ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển gần bờ.

Theo quy định của Chính phủ, những tàu cá có công suất trên 20CV chỉ được đánh bắt tuyến lộng và tuyến khơi, không được khai thác tại vùng biển ven bờ. Việc các tàu giã cào ồ ạt đánh bắt tại vùng biển gần bờ là do thu được lợi nhuận lớn.

Trên thực tế, số tàu giã cào bị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt giữ, xử lý chiếm tỷ lệ không đáng kể so với số tàu vi phạm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Việc xử lý tàu giã cào hạn chế là do lực lượng kiểm ngư của Chi cục thiếu kinh phí để tuần tra thường xuyên. “Kinh phí ít nên lực lượng kiểm ngư mỗi năm chỉ thực hiện được 6-7 chuyến tuần tra, mỗi chuyến kéo dài 2-3 ngày, nên không thể xử lý triệt để”- ông Bình nói.

Một khó khăn khác, theo ông Bình, các đối tượng hành nghề tàu giã cào thường xuyên theo dõi động tĩnh của cơ quan chức năng nên nhiều khi lực lượng này vừa xuất phát tuần tra thì các tàu giã cào đã sớm bỏ trốn do biết trước thông tin. Cùng với đó, vai trò của các cơ quan chức năng cấp xã, huyện trong việc xử lý tàu giã cào hầu như không được phát huy do những lực lượng này không có phương tiện.
An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem