Tết “lạ” ở làng nhiếp ảnh 130 tuổi

Thành An Chủ nhật, ngày 02/02/2020 17:00 PM (GMT+7)
Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, chúng tôi trở về “làng nhiếp ảnh” gần 130 tuổi Lai Xá (nhiếp ảnh Lai Xá) với mong muốn, được xem những bức ảnh của người dân Lai Xá chụp về lễ tết thời xa xưa.
Bình luận 0

Làng nghề độc nhất, vô nhị

Lai Xá là một làng thuộc xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) nằm kế Quốc lộ 32, cách trung tâm Thủ đô 15km. Nơi đây, người dân vẫn tự hào về nghề của làng, bởi trên khắp cả nước, chỉ duy nhất Lai Xá được Nhà nước công nhận làng nghề truyền thống nhiếp ảnh. Trong ký ức của ông Đặng Văn Tích (87 tuổi) - người làng Lai Xá, cho biết: Ông tổ của nghề ảnh Lai Xá là cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), sinh năm 1874, sau 2 năm học nghề ảnh tại hiệu Du Chương (chủ người Hoa) ở phố Hàng Bồ, năm 1892 ông mở hiệu ảnh riêng mang tên Khánh Ký ở phố Hàng Da. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông đã truyền nghề cho cả làng và được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề. Khánh Ký cũng trở thành 1 trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam.

img

Ông Lương Khánh Học (80 tuổi) - Trưởng ban Khánh tiết quản lý di tích lịch sử làng Lai Xá. Ảnh: T.A

“Từ sau năm 1892 trở đi, người dân Lai Xá nối tiếp nhau mở các hiệu ảnh hầu khắp các tỉnh, thành trên dọc dài đất nước, từ Lào Cai đến Bến Tre. Khoảng giữa thế kỷ XX là thời kỳ các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh mẽ nhất, cả nước có tới 150 hiệu và khoảng 2.000 người làng làm ảnh. Tập trung đông nhất ở Hà Nội, có 34 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam 35 hiệu ảnh, Hải Phòng 16... đặc biệt những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký... hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai... Không chỉ đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước mở hiệu ảnh mà còn sang cả Lào, Campuchia làm nghề" - ông kể.

Ông Lương Khánh Học (80 tuổi), người làng từng “truyền nghề” chụp ảnh cho người dân Lai Xá cho hay, người dân làng Lai Xá được thừa hưởng tuyệt kỹ của ông cha để lại nên những bức ảnh chụp không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ, độc đáo về ánh sáng mà còn rất có hồn. “Ánh sáng là yếu tố quan trọng để tạo nên một bức ảnh đẹp, có nhiều loại ánh sáng khác nhau, mỗi hướng ánh sáng sẽ tạo nên những hiệu ứng riêng và làm bật được nét đẹp của nhân vật. Thế nhưng, điều làm nên hồn của bức ảnh chính là thần thái của nhân vật và để chụp nên nét thần thái này cực khó. Có những khi người chụp không biết mình đã được chụp khi nào” - ông nói.

Trải qua gần 130 năm phát triển, nghề nhiếp ảnh của Lai Xá tuy không còn thịnh vượng như xưa, nhưng dân làng đang nỗ lực từng ngày thích nghi và bắt nhịp với dòng chảy mới của xã hội. Là thế hệ sau, nhưng cũng đã hơn 50 tuổi, ông Đinh Tiến Ngọc (xóm 5, Lai Xá) chia sẻ: Ngày nay, các thiết bị thông minh có thể đáp ứng được tiêu chí nhanh, tiện nhưng không thể tạo nên được những bức ảnh có hồn, đẹp chân thật nhất. “Do đó, chúng tôi luôn tin, nghề nhiếp ảnh của làng Lai không thể bị mất đi. Bởi lẽ, những kinh nghiệm bí truyền ông cha để lại mới là yếu tố chính tạo nên nét đẹp, sự đặc sắc của ảnh làng Lai Xá” - ông Ngọc tin tưởng.

img

Một số bức ảnh chụp chân dung những người nổi tiếng do những nhiếp ảnh gia ở làng Lai Xá chụp, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá.  Ảnh: T.A

Theo người dân Lai Xá, nhiều người con của làng đã trở thành phóng viên ảnh hoạt động trong các tòa soạn báo lớn. Trong đó, phải kể đến phóng viên - liệt sỹ Nguyễn Văn Giá, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, vừa là chiến sĩ, vừa là phóng viên mặt trận, ông đã tham gia chiến đấu, chụp ảnh, viết báo ở những chiến trường ác liệt và để lại cho thế hệ sau những bức ảnh mang tính lịch sử. Phóng viên nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng cũng là một trong những nhân vật được người dân làng Lai nhắc nhiều tới khi là 1 trong 3 người vinh dự được chọn chụp ảnh Bác Hồ trong suốt một thời gian dài.

Lên lão tuổi 50

Mải mê với câu chuyện “sự tích” nhiếp ảnh của làng, phải mất thời gian sau chúng tôi mới đi vào mục đích chính là tìm những bức ảnh Tết cổ xưa do chính người làng Lai Xá chụp. Ông Đinh Tiến Ngọc vỗ vai tôi và bảo: “Tết của làng cũng như bao vùng quê khác ở Bắc Bộ này thôi”. “Giờ chúng tôi cũng ít lưu giữ được những bức ảnh cổ. Nếu anh có hứng thú với ảnh Tết của người làng chúng tôi, tôi chỉ có thể giới thiệu cho anh một phong tục được làng tôi gìn giữ cả nghìn năm nay trong mỗi dịp Tết đến Xuân về được chúng tôi chụp lại”.

Nói đoạn, ông mở tủ, lấy cuốn album ảnh và giới thiệu với chúng tôi. Đây là những bức ảnh ông chụp về ngày Tết của làng. Những bức ảnh về một buổi lễ được coi là bật nhất của làng trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Lần giở từng bức ảnh trong cuốn album, ông Ngọc giới thiệu cho chúng tôi nghe và xem. Hình ảnh chủ đạo là các cụ cao niên, với những bộ trang phục “nhà thánh” xanh, đỏ đang chuẩn bị cho một buổi lễ trong khuôn viên sân đình của làng.

Theo giới thiệu, đây là buổi lễ được người dân gọi là “tục đến tuổi tế thánh” hay “tục tuổi 50”. Thực chất, đây là buổi “lên lão” cho những người đàn ông trong làng. “Mỗi người đàn ông trong làng đến tuổi 50 mới được tham gia việc làng, tế thần, tế thánh. Đây là một mỹ tục đẹp, “triều đình trọng tước, làng nước trọng người già”. Nhưng tùy thời mà chữ “mỹ” ấy khi mờ khi tỏ. Ngày nay, trải qua nhiều năm tháng, tập tục ít nhiều có sự thay đổi, nhưng căn nguyên vẫn giữ được nét cổ truyền” - ông Ngọc chia sẻ.

Điều đặc biệt nhất trong buổi lễ ngoài việc “lên lão” cho những người đàn ông lên tuổi 50 trong làng (những người này được gọi là trai lễ) cỗ tế thánh phải là “đồ chay” như: Trầu, cau, oản, xôi, rượu, không có thịt và vàng; trong đó, có 12 phần oản, 12 khẩu trầu đã được bóc vỏ. Các cụ cao niên trong làng cho biết, đình làng thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ đức Trần Hưng Đạo) nên đồ lễ không có thịt, chỉ có rượu, xôi, trầu, cau, oản, không có vàng. Trong đó, 12 phần oản, 12 khẩu trầu, trầu phải bóc bỏ để trắng.

Những người lên tuổi tế thánh ở tuổi 50 là độ tuổi người đàn ông đã đến độ chín chắn nhất của đời người, công việc sự nghiệp vững và con cháu đã đề huề. Kể từ khi chính thức lên lão, họ được người làng kính trọng, được tham gia vào mọi việc làng. Cho nên, dân các làng dù làm ăn, sinh sống nơi xa vẫn thường nhẩm tuổi mình để về làng làm lễ tế thánh.

Ông kể, những người chuẩn bị lên lão, trước Tết 10 ngày phải đi học một “khóa” học ăn, học nói, học đi, học đứng, học ngồi, học cách ăn mặc, hành lễ, dâng rượu… Trong buổi lễ phải làm theo “hiệu lệnh” của hai cụ xướng lễ bên Đông, bên Đoài (chủ Tế, chủ Văn). Đây là hai cụ cao niên có chức sắc được dân làng bầu ra, đặc biệt chủ Tế và chủ Văn phải là những người có đầy đủ con trai, con gái, không vi phạm pháp luật…

Trước khi hành lễ, các cụ cao niên trong làng sẽ kiểm tra các lễ vật đủ hay chưa. Sau đó, chiêng, cống nổi lên bắt đầu hành lễ. Đội tế thánh xếp thành hai hàng do hai cụ xướng lễ đi trước… Khi vào đến cung, đoàn dâng lễ không được bê lễ vào trong, tại đây cụ từ sẽ che mặt bằng tấm vải đỏ rồi nhận lễ. “Tục của làng cho rằng việc che mặt bằng tấm vải đỏ và không cho người vào trong cung để tránh hơi người làm ảnh hưởng đến thánh”. Lúc này những trai lễ phải quỳ để dâng lễ vào đ, cụ từ, chỉ có cụ từ mới được đón lễ và dâng lên tháng ở trong cung. Sau khi lễ xong, sẽ tiến hành ẩm phúc, ban lộc thánh cho chủ tế và dân làng. Sau đó các quan viên vào bái lễ, tạ thánh.

Những trai lễ sau khi tế thánh được giao nhiệm vụ được phục vụ trong nhà thánh 1 năm, làm những việc như quét dọn, làm lễ trong ngày rằm, mồng 1 hàng tháng hoặc những việc to, nhỏ của làng. Sau đó, nếu ai có nhu cầu sẽ được vào ban khánh tiết để cùng các cụ tế lễ và lo các công việc trong đình phục vụ thánh những năm sau.

Tất cả các nghi thức đó, được ông Đinh Tiết Ngọc lưu giữ lại bằng những bức ảnh. Những bức ảnh này được ông lưu giữ cẩn thận, coi như một “bảo bối” trong nhà của mình. Xác nhận với chúng tôi, ông Lương Khánh Học (80 tuổi) - Trưởng ban Khánh tiết quản lý di tích lịch sử làng Lai Xá nói: “Đây là truyền thống do cha ông để lại, chúng tôi phải gìn giữ và phát triển cho các thế hệ nay và mai sau”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem