Sông Vàm Thuật chia làm nhiều mương rạch, uốn lượn quanh những cánh đồng ở Thới An, Thạnh Xuân (quận 12) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) là nơi nương náu của những mảnh đời tha hương tìm về cư ngụ.
Ở vùng ngoại ô, nhiều nông dân tha phương vẫn còn đang dầm bùn trong bùn đất. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mùa thuốc lào tiếp theo qua Tết mới thu hoạch. Những mảnh đời tha hương, hoặc đến rồi đi theo thời vụ, hoặc ở hẳn giữa bưng biền lại nôn nao ngồi nhìn cây thuốc. Gió xuân thổi vào tận đồng sâu, một mùa thương nhớ lại bắt đầu.
Xóm ngụ cư nghèo bên bờ sông Vàm Thuật. Ảnh: Nguyên Vỹ
Buông đôi tay mệt mỏi sau một ngày xách nước tưới thuốc lào, anh Thạch Mong (quê Trà Vinh) nằm nghiêng người trên phản gỗ, kê tạm bình trà, ngồi tâm sự hàn huyên.
Những người lao động nghèo vẫn đang vất vả trong đồng sâu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Anh Mong và vài người hàng xóm, người Kinh lẫn Khmer tá túc quanh đây, đều là dân tha phương. Hết mùa thuốc đầu tiên, nhiều người ta đã về quê, anh Mong vẫn ở lại.
Người dân tha phương tự tạo lập cuộc sống cho qua mùa tết. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Những dịp tết nhất, ruộng vắng đồng thưa, buồn lắm nhưng ráng đợi thu hoạch xong mùa thuốc lào nữa tôi mới về đón Tết Chool Chnam Thmay của dân tộc mình”, anh Mong nói.
Ở bên kia cánh đồng, chị Nguyễn Thị Vân cũng đếm từng mùa thuốc lào đi qua trong thương nhớ. Đã 5 năm chị từ biệt mẹ già lên TP.HCM kiếm sống, cứ nhìn cây thuốc trổ bông, chị lại thấp thỏm nuôi hy vọng được đón tết sum vầy tận Cà Mau.
Khi hoa thuốc nở trắng hồng cả bến sông, những người làm công mới trở về cố hương. Ảnh: Nguyên Vỹ
Sau khi hái hết lá thuốc, cây ngoài đồng không ai bẻ. Ngọn cây lại tiếp tục đâm chồi kết hoa, trắng hồng cả cánh đồng. Lúc đó đã là cuối vụ, những người làm công mới lục tục nghĩ đến chuyện trở về cố hương.
Họ mướn đất rồi trồng rau nhút quanh năm để kiếm sống. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Đã mấy cái Tết không được đón giao thừa với ông bà. Mỗi lần gọi điện về nhà, mẹ già cứ trách. Tôi ậm ừ rồi lại hẹn mùa sau”, chị Vân nhìn ra đồng thuốc buồn vời vợi.
Ở đây không màu vàng của hoa mai mà chỉ có màu vàng của hoa rau nhút. Ảnh: Nguyên Vỹ
Kế bên rạch Bến Đá (xã Đông Thạnh), vài ba căn chòi lá lụp xụp, vắng tanh vì chủ nhà còn ở ngoài ruộng rau nhút. Anh Trần Công Minh (quê ở Tiền Giang) kể chỉ có chiều nay (ngày 30 Tết) mới được một lát rảnh tay.
Những đứa trẻ lớn lên trên xóm ngụ cư. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nghề trồng rau nhút chẳng lúc nào ngơi việc. Sang mùng 1 Tết, hàng hóa giao dịch lại bình thường, anh lại đi hái rau giao các nơi. “Đã mấy mùa tha hương bên dòng sông Vàm Thuật. Giữa đồng không mông quạnh này thì làm gì có Tết”, anh Minh nói.
Niềm vui ngày tết cũng rất giản đơn bên mái tranh nghèo. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mặt trời dần xuống, xóm ngụ cư ven sông cũng thưa thớt tiếng người. Mấy người đàn ông ngồi hàn huyên trên phản gỗ. Đàn bà, trẻ em thì tụ họp trên bờ đê nhìn ra đồng ruộng. Những câu chuyện về quê hương xen lẫn cùng rau nhút và thuốc lào, những thứ hôm nào họ cũng gặp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.