Tết thứ hai của cặp song sinh từ tinh trùng người cha đã mất

Thứ sáu, ngày 20/02/2015 14:53 PM (GMT+7)
'Càng lớn, Đức càng giống bố, pha nét giống mẹ và có cả tính cách của bà nội. Còn Hải thì giống tôi và chú nó về cả dung mạo lẫn tính cách'.
Bình luận 0

Hơn một năm nay, tầng 6 No26 chung cư Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội luôn đầy ắp tiếng cười. Đó là căn nhà của chị Hoàng Thị Kim Dung, người mẹ đã gây không ít ngạc nhiên và nể phục khi sinh con với người chồng đã mất. Đó là hai bé trai sinh đôi Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải (sinh ngày 9/12/2013).

Từ khi có hai bé, niềm vui và hạnh phúc của ông Hồ Bính và bà Nguyễn Thị Thuận - ông bà nội các cháu đã xua tan đi cái vất vả tuổi già. Mấy hôm nay Hải bị sổ mũi và ho khiến ông bà tất bật lo lắng. Ông với Hải một phòng, bà với Đức một phòng để tiện chăm sóc. Có nằm mơ hai ông bà cũng không nghĩ mình có thêm cháu nội. Điều đặc biệt đó là lại giọt máu của người con trai của ông bà đã mất do tai nạn giao thông trước đó 4 năm.

Bà Thuận nói: "Mẹ chúng (chị Dung) công việc bận rộn suốt này. Đợt này cuối năm, nhiều việc hơn, sáng đi sớm, tối mịt mới về. Ông nhà tôi đã 71 tuổi, tôi cũng hơn 60 tuổi. Ai nghĩ giờ này cẫn còn có được niềm vui hạnh phúc là ra Hà Nội trông cháu thế này".

img

Bé Hồ Sỹ Hoàng Đức (phải) và Hồ Sỹ Hoàng Hải (trái) hơn 1 tuổi. Ảnh: Congluan.vn

Bà Thuận trước là giáo viên cấp 3, ông Bính là giảng viên đại học, cả hai đều công tác ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ông bà có 3 người con, con gái lớn đi lấy chồng, đứa em út sinh năm 1984 mới lập gia đình và ra ở riêng. Cuộc sống đôi vợ chồng già lúc về hưu vô cùng tất bật, khi thì ông bà về Vinh, khi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An (quê gốc) nhưng phần nhiều là ra Hà Nội chăm cháu. Từ khi chị Dung mang thai ở tháng thứ 7, ông bà gần như đóng cửa ngôi nhà ở Vinh để ra chăm con dâu. 

Ông Bính vốn ít nói nhưng nhắc tới hai đứa cháu thì ngoại lệ. Ông bảo: "Càng lớn, Đức càng giống bố, pha nét giống mẹ và có cả tính cách của bà nội. Còn Hải thì giống tôi và chú nó về cả dung mạo lẫn tính cách". Ông Bính kể, ngày trước, anh Ngọc (chồng chị Dung) đá bóng rất giỏi, hiện nay Đức và Hải mới biết đi nhưng cũng thích chơi bóng đá. Chỉ những câu chuyện thường ngày thậm chí là tranh cãi vui giữa ông và bà rằng đứa cháu nào giống ai cũng khiến ông bà vơi đi bệnh tật tuổi già.

Ông nhớ lại, thời điểm lúc con dâu xin phép sinh con, ông bà không khỏi bất ngờ. Bất ngờ ở việc sinh con với tinh trùng của người đã mất. Bà Thuận nhớ lại: "Chúng tôi đều làm nghề giáo, được cập nhật các tiến bộ khoa học nhưng thời điểm đó, nghe con đề xuất nguyện vọng sinh con, đó cũng là lần đầu tiên nghe đến. Lúc chồng mất, hai đứa mới có với nhau một đứa con gái là cháu Hồ Hoàng Hải Bình. Dung còn trẻ, cuộc đời còn phơi phới phía trước, còn nhiều cơ hội làm lại cuộc đời. Vậy mà nó vẫn kiên quyết".

img

Đức có nhiều nét giống bố. Ảnh: Congluan.vn

"Lúc Ngọc mất, tôi cũng xuống tinh thần. Nghĩ gia đình mình nhỏ của con mới nhen nhóm hạnh phúc đã phải chia lìa âm dương. Ngôi nhà này mua năm 2000, chúng nó mới sống được với nhau là bao. Con dâu đề đạt nguyện vọng với bố mẹ việc sinh con, tôi cũng nghĩ do cháu tinh cần chưa ổn định nên không sáng suốt. Thương con dâu nên chúng tôi cứ gật đầu cho qua chuyện, rồi năm tháng qua đi, hy vọng nó nghĩ lại", bà nhớ lại. Không chỉ bà Thuận mà ai trong gia đình khi nghe quyết định của chị Dung cũng nghĩ đó chỉ là quyết định lúc đau buồn nhất thời.

Ông Hồ Bính cũng lặng người đi khi con dâu gọi điện trực tiếp nói chuyện với ông. Ông nhớ lại: "Dung gọi điện cho tôi, trình bày nguyện vọng của mình. Tôi không biết nói gì, vì xúc động. Tôi không khuyến khích con vì hiểu con dâu mình đã quá thiệt thòi nhưng cũng không phản đối. Tôi chỉ bảo con: 'Nếu con sinh con thì bố mẹ chịu ơn con".

Đến bây giờ, ông Bính vẫn cho đây là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho gia đình mình khi 4 năm sau khi con trai qua đời, ông lại có thêm 2 đứa cháu nội kháu khỉnh, đáng yêu. Tiếng khóc cười của con trẻ cũng khiến căn nhà bớt cô quạnh. Ngày ngày hai đứa trẻ vẫn chơi đùa dưới bức ảnh cưới của bố mẹ chúng vẫn được treo ngay ngắn ở đầu giường. 

Bà Thuận bảo rằng: "Vợ chồng nó phải có tình cảm lớn hơn bình thường mới làm được chuyện đó. Dưới suối vàng, bố các cháu sẽ phù hộ độ trì và dõi theo mẹ con. Nhất định như vậy rồi".

img

Hải giống ông nội và em trai út của anh Ngọc. Ảnh: Congluan.vn

Mối tình anh Ngọc chị Dung rất đẹp. Cả hai vợ chồng học chung lớp chất lượng cao của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Yêu nhau 7 năm, rồi đi đến quyết định kết hôn nhưng thời gian ở bên nhau của anh chị chỉ tính bằng ngày. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Dung đi Pháp du học rồi ở lại làm luận án tiến sĩ. Nhiều năm trời xa nhau đằng đẵng, hai người chỉ liên lạc bằng điện thoại và internet nhưng chưa từng giận dỗi, phai nhạt tình yêu.

"Hồi em đi du học, dù đang vui vẻ với bạn bè ở đâu nhưng khi nào, hễ báo tin lên mạng chat là anh ấy bỏ hết mọi thứ lao về trước màn hình để tâm sự... Sau khi cưới nhau, có cháu Hải Bình, anh Ngọc cũng có lời mời đi học ở Áo, nhưng thấy con còn nhỏ, sợ em vất vả nên anh ấy hoãn lại...", chị Dung kể.

Mối tình đẹp như thơ nhưng lại kết thúc bằng câu chuyện buồn. Ngày anh Ngọc qua đời vì tai nạn giao thông, con gái lớn của anh chị mới trong 6 tháng tuổi. Chị Dung như ngất lịm đi nhưng rồi chị đã có một quyết định lớn nhất cuộc đời mình. Quyết định đó hiển hiện là hai mầm sống đầy hạnh phúc và câu chuyện cổ tích ngay giữa đời thường này.

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, trường hợp của chị Dung là trường hợp đặc biệt hy hữu và lần đầu tiên tiến hành ở Việt Nam. Đây được coi là một thành tựu y học trong lĩnh vực sinh sản. Trên thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của người đã mất nhưng ở Việt Nam thì chưa có tiền lệ.

( Theo Gia Đình & Xã Hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem