Tôi là một trong những người thuộc thế hệ đầu sinh ra vào thập niên 90, là "gạch nối" chuyển giao giữa hai thế kỷ XX - XXI. Bởi vậy, bọn trẻ như chúng tôi vẫn có đủ thời gian để hiểu phần nào về quá khứ bao cấp và thấy được sự chuyển mình nhanh chóng của làng quê, đất nước giai đoạn quá độ từ năm 1986.
Làng tôi, thôn Dâu, thuộc xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên là một hình mẫu làng điển hình của khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng cả về kết cấu hạ tầng kinh tế lẫn yếu tố văn hóa làng xã. Trải qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, làng tôi cũng đã đổi thay nhiều, cuộc sống của bà con khấm khá hơn, điều kiện vật chất dần đủ đầy. Những hình bóng cũ của một thời phong kiến, bao cấp giờ đây chỉ còn đọng lại trong ký ức, thói quen của con người gọi là "nếp làng" hay lưu lại ở một góc nhỏ nào đó nơi tên gọi của các địa danh như "Sân kho", "Hàng Bà Đồ", "Vườn Các Cụ", "Ruộng Cửa Đình"… Để mỗi lần gọi lên là nhắc nhớ con người về một giai đoạn trong lịch sử với cả những vui buồn, sướng khổ. Tết Trung thu của tôi cũng có ở trong đó.
Thuở thiếu thời, tôi nhớ Trung thu như nhớ đến vầng trăng tròn xoe, "to đùng" và sáng lắm. Mẹ bảo trên đó có chị Hằng và chú Cuội đang ngồi gốc cây đa. Điều đó đã kích thích trí tò mò của một đứa trẻ lên năm lên bảy như tôi cứ cố gắng trèo lên ngọn xoan trước cổng với mục đích càng lên cao thì sẽ càng nhìn thấy rõ chú Cuội.
Vào dịp Trung thu, các gia đình có nghề làm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống luôn tấp nập người ra vào, đó luôn là địa chỉ thu hút đám trẻ con chúng tôi nhất. Đứa trèo bờ rào, đứa nhìn qua cửa sổ, có đứa ở đó quên cả về cơm trưa. Chúng tôi chăm chú nhìn ngắm, hít hà hương của bột, của đường, của gạo nếp, nghe tiếng bác thợ cả vào khuôn nướng bánh rồi nhìn nhau tủm tỉm cười khoái trí.
Trung thu tôi được cùng chúng bạn đi rước đèn. Vào thời điểm đó, trẻ con làng tôi chưa có đèn ông sao, đèn cù như "mấy đứa trên Hà Nội" (cách nói ám chỉ sự khác biệt về điều kiện kinh tế của trẻ con vùng nông thôn chưa có điều kiện mua đèn như trẻ con ở thủ đô). Đèn lồng của chúng tôi cũng rất đặc biệt. Nó được làm từ những chiếc vỏ nhựa hộp xà phòng giặt của Trung Quốc màu trắng ngà, được đục lỗ hai bên nối với dây đồng nhỏ, có tay cầm bằng que tre, bên trong thắp nến. Nhiều đứa được bố mẹ xâu cho những xâu hạt bưởi phơi khô, khi đốt lên nổ lép bép, xoèn xoẹt khá giống với pháo bông.
Sau bữa cơm tối vội vàng, có đứa bỏ cả ăn để kịp đi rước đèn với bạn. Cầm cây đèn đặc biệt trong tay, tôi hòa vào cùng đám trẻ. Tối đó chúng tôi được phát kẹo, chơi trò đập niêu đất, bịt mắt bắt dê ở "Sân Kho", được nối đuôi nhau rong ruổi từng con ngõ trong làng. Bỗng chốc, từ một làng quê yên ả, ánh sáng của trăng rằm, ánh nến lấp lánh và tiếng hát của đám trẻ con đã làm bừng cả không gian. Vui không kể xiết!
Tôi lớn lên và trưởng thành từ làng, cũng giống như nhiều thế hệ trước đó, đều có một miền ký ức luôn chảy bên trong, khi vui mừng tự hào cũng có khi khắc khoải. Hôm nay trăng cũng tròn, tôi đang ngắm nhìn trăng rằm tháng Tám nơi phố thị nhưng lòng lại chỉ hướng về ánh trăng quê. "Phải chăng ánh trăng nơi này khác", nghĩ vậy tôi bất giác cười. Dù đã qua cái tuổi rước đèn, trông trăng, phá cỗ, song mỗi dịp Trung thu tôi vẫn luôn bồi hồi. Bởi Trung thu gợi nhớ về quê hương, về ngôi làng nhỏ, nơi có gia đình, cộng đồng gắn kết với nhau và tuổi thơ tôi ở đó.
Không gian văn hóa của làng là một yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình định hình nhân cách của mỗi cá nhân. Tiết trung thu chỉ có một, song trong mỗi con người lại có những định nghĩa và trải nghiệm khác nhau về "không gian Trung thu" của mình từ đó có những ấn tượng riêng biệt. Với tôi, Trung thu là quê hương, là thôn làng nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ở đó, một phần tuổi thơ tôi gắn liền với những lần rước đèn trông trăng bằng vỏ ống xà phòng. Khi ấy, đèn điện còn chưa tỏ mọi con ngõ nên mỗi khi trăng tròn, đặc biệt là tiết Trung thu đường làng được chiếu sáng, trẻ con thoải mái vui đùa hơn.
Làng Dâu hôm nay đã đổi khác, nhà cửa khang trang hơn, đường làng sạch đẹp, 100% các con ngõ trong thôn đều có hệ thống đèn đường thắp sáng về đêm. Tết Trung thu mỗi năm mỗi đủ đầy hơn, phong phú các chủng loại đồ chơi, đèn lồng, bánh ngọt. Không chỉ là một ngày hội của trẻ thơ mà người người, nhà nhà trong thôn đều vui mừng hân hoan đón đợi Trung thu như một ngày lễ đặc biệt trong năm vừa để cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, vừa là dịp để gia đình sum vầy. Trung thu cũng vì thế mà càng ý nghĩa hơn.
Mặc dù vậy, trước tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, một làng quê Bắc Bộ đang trên đà phát triển như quê tôi cũng không tránh khỏi những biểu hiện tiêu cực cho thấy sự pha tạp, lai căng, phản văn hóa, đặc biệt là trong sinh hoạt văn hóa Trung thu. Bên cạnh những trò chơi dân gian, một bộ phận thanh niên thường mượn cớ "hội làng" để tụ tập cá cược ăn tiền. Hay tình trạng người dân trang trí đường làng ngõ xóm bằng nhiều đèn lồng Trung Quốc vô tình khiến nhiều người lầm tưởng như đang lạc vào "phố người Hoa"…
Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của một dân tộc, trong đó có văn hóa làng xã Bắc Bộ với tính cố kết cộng đồng chặt chẽ, đã phát huy giá trị trong chiến tranh vệ quốc và quá trình xây dựng đất nước. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa địa phương cũng là điều mà tôi luôn đau đáu để mỗi người con khi xa quê đều có một "Trung thu" hay chính là quê hương thu nhỏ trong lòng mình để vừa soi rọi vừa định hướng bước chân.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.