Thạch Tú: Đầu lĩnh “đa diện” nhất Lương Sơn Bạc

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 23/12/2019 16:33 PM (GMT+7)
Thạch Tú xuất hiện với tần suất dày đặc trong 7 hồi, từ 43-49 và điểm rất đáng chú ý là Thi Nại Am, như thể muốn nhấn mạnh về xuất thân bất minh và hành tung khó lườngcủa “Biện Mệnh Tam Lang” nên đã để chàng ta, cứ mỗi lúc, lại hóa thân thành một thân phận khác…
Bình luận 0

Những “vai diễn” của Thạch Tú

Khi cứu Dương Hùng, gặp Đới Tung – Dương Lâm thì là “anh chàng thất cơ lỡ vận, đi buôn ngựa mất tiền phải làm nghề kiếm củi qua ngày”, khi giới thiệu với Phan Công (bố vợ Dương Hùng) thì nói về chuyện “xuất thân con nhà mổ lợn”, rồi hơn 2 tháng ở nhà Dương Hùng lại cho thấy mình là tay rất giỏi buôn bán kinh doanh.

Khi rình bắt chuyện lang chạ của Phan Xảo Vân – Bùi Như Hải thì Thạch Tú sau khi giết Hồ Đạo lại đóng giả tay đầu đà này. Lúc gây chuyện ở tửu điểm tại Chúc Gia thì xưng mình là “hảo hán Lương Sơn” (dù thực tế là chưa). Tới lúc đi do thám tình hình Chúc Gia Trang thì giả mình là “tôi là bọn buôn táo ở Sơn Đông chẳng may mất cả vốn liếng, không dám về làng” khi nói chuyện với lão Chung Ly. Lúc Tôn Lập triển kế vô gian đạo, thì chính Thạch Tú chứ chẳng phải ai khác nhận lãnh nhiệm vụ ra trận giả giao đấu, để thua, nhằm xâm nhập lòng địch.

img

Biện Mệnh Tam Lang Thạch Tú – vị đầu lĩnh đa diện đa màu sắc.

Mổ lợn, buôn ngựa, kiếm củi, đầu đà, hảo hán Lương Sơn, buôn táo, nội gián – Thạch Tú một mình kiêm hết. Không có đầu lĩnh nào của Bến Nước hóa thân thành nhiều “vai diễn” như Thạch Tú cả. Một nhân vật đa diện, đa sắc từng bước hành động đều có chủ ý sâu sắc như vậy thì bao nhiêu sự kiện xảy ra trên hành trình chàng ta chính thức thành đầu lĩnh Lương Sơn, đặc biệt là chiến sự ở Độc Long Cương, tuyệt nhiên không phải là chuyện tình cờ.

Tâm Cơ họ Tống – nhiệm vụ họ Thạch

Sau khi Dương Hùng xử tử Phan Xảo Vân ở núi Thúy Bình, Thạch Tú đề xuất cả hai cùng lên Lương Sơn, có thêm Thời Thiên nhập bọn. Trên đường đến “Bến nước”, bộ ba đi ngang Độc Long Cương, Thời Thiên “chôm” gà của tửu quán để mấy anh em đánh chén. Sự việc vở lỡ, gây ra một trận loạn đả phóng hỏa giết người ở Chúc Gia Trang.

Thời Thiên bị bắt sống, Dương Hùng – Thạch Tú thoát được, gặp Đỗ Hưng – quản gia của “Phác Thiên Điêu” Lý Ứng. Bô đôi này, qua mối quan hệ của Đỗ Hưng nhờ Lý Ứng ra tay viết giấy cứu Thời Thiên về. Lý Ứng chịu giúp nhưng phía Chúc Gia Trang không thả người. Sau đó là chuyện Lý Ứng giao chiến với Chúc Bưu – cậu út Chúc Giao Trang, trúng tên.

img

Thạch Tú, qua 7 hồi Thủy Hử, đã một mình hóa thân thành hàng loạt “vai diễn” khác nhau.

Tiếp đến chuyện Dương Hùng – Thạch Tú lên Lương Sơn kể lể sự tình, Tiều Cái nghe xong nổi giận sai quân đem hai người ra xử tử vì tội làm “mang tiếng nghĩa khí của Lương Sơn”. Tống Giang, Ngô Dụng, Đới Tung cùng các đầu lĩnh khác khuyên can. Tiều Cái mới nguôi giận, mà chịu chấp nhận cho hai huynh đệ này nhập đảng. Thoạt tưởng, tất cả đều là chuyện tình cờ nhưng hóa ra lại không phải vậy. Nhân sự kiện này, Thi Nại Am có để Tống Giang nói một tràng (với Tiều Cái) như sau:

“Bình nhật tôi thường nghe nói, bọn Chúc Gia Trang muốn đối địch với sơn trại ta… Vả chăng không phải ta đây sinh sự, đó chẳng qua là họ muốn bới lông tìm vết gây chuyện với ta. Bất nhược tiện đây ta trừ khử nó đi, để kiếm lấy mấy năm lương thực, chẳng hóa ra uy thế cho sơn trại ta lắm sao… Vậy tiểu đệ tuy là kẻ bất tài, cũng xin lĩnh một chi binh mã, nhờ anh em xuống núi một phen. Nếu không trừ nổi Chúc Gia Trang, thì quyết thề không về sơn trại nữa. Tiểu đi phen này một là giữ lấy thanh danh cho sơn trại, hai là khỏi bị chúng sỉ nhục chê bai, ba là kiếm ít tiền nong để chi dùng về sau, bốn là mời Lý Ứng lên nhập đảng cho vui, xin Ca Ca nghĩ như thế mới được”.

Đây là một chi tiết bộc lộ rõ ràng tâm cơ của Tống Giang, rằng việc đánh Chúc Gia Trang đã nằm trong tính toán của họ Tống từ trước và chỉ chờ thời cơ cùng một cái cớ hợp lý hợp tình để xuất quân. Chiến sự với Chúc Gia Trang là trận đánh để Tống Giang “lấy số” ở Lương Sơn và đã đánh là phải thắng, thậm chí là phải thắng lớn.

Dĩ nhiên muốn thắng phải chuẩn bị kĩ càng,một người căn cơ sâu sắc như Tống Giang chắc chắn không thể nhân sự kiện Thạch Tú gây loạn ở Độc Long Cương mà tự nhiên xuất quân cả. Thế nên chuyện đám Thạch Tú chôm gà, phóng hỏa, giết người ở Chúc Gia Trang chắc chắn không phải là “tình cờ”, mà nằm trong lớp nang kế hoạch cả.

Thạch Tú – Tống Giang: mối liên kết được sắp đặt từ trước

Tới đây, chúng ta cần phải nhận chân nhiệm vụ của cặp đôi Đới Tung- Dương Lâm (tâm phúc của Tống Giang) khi xuống núi trước đó. Việc chính là tìm Công Tôn Thắng nhưng việc phụ còn… quan trọng hơn: Một, là tìm kiếm những tay hảo hán để về làm vây cánh cho Tống Giang và Hai, là dò xét tình hình các gia trang giàu có khu vực Vận Châu – Kế Châu để tính kế làm một mẻ lớn sau này. Trên hành trình này, họ đã thuyết phục được bộ ba Đặng Phi – Mạnh Khang – Bùi Tuyên (nhóm thảo khấu ở Ẩm Mã Xuyên) lên Lương Sơn, rồi tình cờ gặp gỡ với Thạch Tú.

img

Thạch Tú đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đánh Chúc Gia Trang của Tống Giang.

Trước khi kết nghĩa huynh đệ và theo về nhà Dương Hùng, Thạch Tú đã chuyện trò với 2 đầu lĩnh Lương Sơn. Ngay lúc ấy, họ đã mời Thạch Tú nhập bọn Lương Sơn: “Ngài nên đến Lương Sơn Bạc, nhập bọn với Tống Công Minh mà chia vàng sẻ áo, đợi lúc triều đình chiêu an, sẽ cùng về quy phục, như thế có hợp lẽ hay hơn”. Thạch Tú trả lời: “Tiểu đệ cũng có ý thế, nhưng nào ai tiến cử lên cho” và Đới Tung ngay lập tức nguyện làm “người tiến dẫn”. Hãy chú ý, Đới Tung nói rất rõ “nhập bọn với Tống Công Minh” chứ không phải về với Tiều Cái – trong khi Lương Sơn lúc ấy chủ trại là họ Tiều, họ Tống chỉ là thứ hai.

“Tua nhanh” đến hồi 46, khi Thạch Tú cùng Dương Hùng tới Bến nước, dừng chân ở tửu điếm của Lương Sơn do Thạch Dũng quản lý. Tại đây có đoạn hội thoại như thế này giữa 3 người: “Chúng tôi ở Kế Châu đến đây... - Chẳng hay là Thạch Tú túc hạ đó chăng? - Tôi là Dương Hùng, người anh em tôi đây là Thạch Tú... Thạch Dũng vội vàng đáp rằng: - Dạo trước Đới Tung Ca Ca có ở Kế Châu về, có thuật đến đại danh của huynh trưởng, nay được ngài lên đây thực là tốt lắm”.

Như vậy, việc Thạch Tú nên Lương Sơn đã được phe Tống Giang sắp đặt chắc chắn từ trước. Bản thân Thạch Dũng, một “tay chân” khác của họ Tống không hề tỏ ra bất ngờ với chuyện này. Quãng thời gian ở nhà Dương Hùng, Thạch Tú hầu như tuần nào cũng đi xa để nhập hàng (thịt lợn), không loại trừ đấy chính là những lúc chàng ta nhận “mật lệnh” từ Tống Giang (khả năng cao là qua Đới Tung). Nội dung chính của “mật lệnh” từ Tống Giang là gì, nếu không ngoài chuyện dò xét tình hình ở Độc Long Cương, gây chuyện can qua để “Cập Thời Vũ” danh chính ngôn thuận xuất binh.

Gây chuyện ở Chúc Gia Trang: “nước cờ” quan trọng

Ở kỳ trước chúng ta đã minh định được Thạch Tú là kẻ suy nghĩ sâu sắc, lời ăn tiếng nói lễ nghĩa đủ đầy, hành động thì vô cùng kín kẽ chu toàn. Tức nếu thực tâm muốn nhanh nhanh chóng chóng gia nhập đảng ở Lương Sơn, chàng ta nhẽ ra cứ âm thầm thẳng đường mà tiến. Nhưng ở Chúc Gia, Thạch Tú lại hành động khác hẳn: nào là xưng danh “háo hán Lương Sơn”, thẳng tay đánh người: “giơ quyền lên tặng cho mỗi anh một cái, ngã lăn cả ra đó”, phát ngôn hiếu chiến “Đánh nhau thì phải đánh, không thể tha được”, rồi phóng hỏa đốt nhà: “Nói đoạn liền xuống bếp thổi mồi lửa, đem lên châm mái nhà cho cháy tứ tung lên”, lại còn vung dao đoạt mạng: “Mặt sau Thạch Tú lại chém chết mấy người”.

img

Thạch Tú và nghĩa huynh Dương Hùng đều có thứ hạng cao trên Lương Sơn.

Toàn bộ đều cho thấy Thạch Tú chủ tâm gây chuyện. Rồi đến sau khi Thời Thiên bị bắt, còn bản thân và Dương Hùng thoát được, chính Thạch Tú là người bảo nghĩa huynh của mình nghỉ chân ở một tửu điếm thuộc địa phận của Lý Gia Trang “Thạch Tú liền bảo với Dương Hùng rằng: - Anh em ta hãy đến trong tửu điếm kia, ăn uống xong rồi hỏi đường mà đi...”. Tại đây họ gặp Đỗ Hưng.

Nghỉ ở một tửu điếm thuộc sự quản lý của Đỗ Hưng – người chịu ơn của Dương Hùng – hiện đang là tâm phúc của Lý Ứng, sao lại có sự tình cờ thế được. Ở đây phải hiểu, chính Thạch Tú sắp đặt điều này. Rồi vẫn Thạch Tú là người dẫn dắt Dương Hùng tới nhờ vả Lý Ứng viết thư cứu người: “tôi vẫn nghe tiếng Phác Thiên Bằng Lý Ứng, là tay hảo hán ở Độc Long Cương. Phải, ông ta có tiếng là người khá, chúng ta thử đến đấy xem”. Đây ắt hẳn là một nhiệm vụ nữa mà Thạch Tú được phe Tống Giang giao phó, dò xét thái độ của Lý Ứng.

Thế nên, ngay khi Thạch Tú thuật chuyện ở Độc Long Cương với đám đầu lĩnh Lương Sơn, Tống Giang gần như ngay tắp lự tung ra phát ngôn đanh thép về 4 lý-do-phải-đánh: khuếch trương thanh danh là Một, khỏi bị sỉ nhục là Hai, kiếm tiền bạc lương thực là Ba, mời Lý Ứng nhập đảng Lương Sơn là Bốn. Rõ ràng, Thạch Tú đóng vai trò cực kỳ quan trọng và xuyên suốt trong lần xuất quân xuống núi đầu tiên của Tống Giang.

Trở thành tâm phúc Tống Giang, thăng tiến vượt bậc

Trước khi đánh Chúc Gia, Thạch Tú nhận nhiệm vụ xuống núi dò xét tình hình. Khúc này Thi Nại Am đã chủ ý đưa ra một chi tiết quan trọng để khẳng định thêm một lần nữa rằng “Biện Mệnh Tam Lang” sớm đã điều nghiên kỹ lưỡng về Độc Long Cương rồi. Tại sao ở Chúc Gia Trang “hơn hai vạn người” Thạch Tú lại chọn đúng nhà của một người không phải họ Chúc để thu thập thông tin? “Lão già đáp: - Trong thôn này toàn họ Chúc cả, duy có tôi là họ Chung Ly ở đây mà thôi...”.

Trong chiến sự ở Độc Long Cương, Thạch Tú góp nhiều công lớn: từ việc tạo cớ để Lương Sơn xuất quân, đến dò xét tình hình, một lần cứu Tống Giang thoát hiểm, giả thua Tôn Lập để xâm nhập vào nhà họ Chúc, và chính là người chém chết trang chủ Chúc Gia – Chúc Triều Phụng. Tóm lại là nếu không có họ Thạch thì Tống Giang không thể có dược uy danh lớn ở chốn Lương Sơn. Thế nên, cấp bậc và vai vế của Thạch Tú thăng tiến liên tục.

Đầu tiên khi mới lên Lương Sơn thì: “Dương Hùng, Thạch Tú đều vâng lời, rồi cùng ngồi vào vai dưới Dương Lâm”. Sau khi Tiều Cái chết trong lần đánh Tăng Đầu Thị thì Thạch Tú lên một cấp nữa, qua sự sắp xếp của Tống Giang: “Trung Nghĩa Đường thì tôi tạm giữ ngôi chủ, rồi thứ nhì đến quân sư Ngô Ngọc Cứu, thứ ba đến pháp sư Công Tôn Thắng, thứ tư đến Hoa Vinh, thứ năm đến Tần Minh, Thứ sáu đến Lã Phương, thứ bảy đến Quách Thịnh; trong tả trại thứ nhất thì Lâm Xung, thứ nhì Lưu Đường, thứ ba Sử Tiến, Thứ tư Dương Hùng, thứ năm Thạch Tú, thứ sáu Đỗ Thiên, thứ bảy Tống Vạn”.

Khi hội đủ 108 vị anh hùng, thì Thạch Tú thế nào: xếp hạng thứ 33, một trong 10 Đầu lĩnh bộ quân, lại được nắm giữ một cửa quan: “Bên Tây một cửa quan, Dương Hùng, Thạch Tú coi giữ”. Để tiện so sánh, Dương Lâm – một trong hai người tiến dẫn Thạch Tú – chỉ xếp hạng 57; Tôn Lập – người triển kế vô gian đạo giúp Lương Sơn đánh tan hai nhà Chúc – Hổ thì hạng 39, chỉ là Mã quân tiểu tướng.

Biệt danh là “Chàng ba liều mạng” mà sao Thạch Tú đa sắc, đa diện, tâm cơ sâu xa, hành động kín kẽ, chu toàn đến thế!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem