Thái Nguyên: Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho chương trình giáo dục giai đoạn 2021 – 2025

06/09/2021 21:54 GMT+7
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định dành nguồn kinh phí gần 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Năm 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên có 243 trường mầm non, 214 trường tiểu học, 193 trường trung học cơ sở và 33 trường trung học phổ thông.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã xây mới và sửa chữa 5.033 phòng học, 2.298 phòng bộ môn và các công trình phụ trợ khác phục vụ học tập, tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng.

Nhờ đó, cơ sở vật chất các trường học cơ bản đáp ứng tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp trên toàn tỉnh đạt trên 71%, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt trên 84%.

Thái Nguyên đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho chương trình giáo dục giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 1.

Hệ thống lớp học trường Mầm Non Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được đầu tư xây dựng khang trang (Ảnh: Thanh Tuấn)

Tuy nhiên, những năm qua, quy mô trường lớp tăng, nhu cầu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho ngành giáo dục rất lớn.

Cơ sở vật chất nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình học và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường, chưa đủ kinh phí để duy tu sửa chữa kịp thời các trường, lớp học đã và đang xuống cấp.

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 2 vừa diễn ra, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã quyết nghị, từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng phục vụ học tập.

Trong đó, đầu tư xây dựng bổ sung 1.566 phòng học, 3.007 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập, mua sắm 550 thiết bị tối thiểu mầm non, 550 bộ đồ chơi ngoài trời mầm non, 6.602 bộ thiết bị tối thiểu từ lớp 2 đến lớp 12, 12.963 bộ máy tính.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thái Nguyên xác định sẽ cân đối, bố trí phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; lồng ghép hỗ trợ thực hiện Đề án thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; huy động các nguồn vốn trong dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư.

Hà Thanh
Cùng chuyên mục