Vụ cháy kinh hoàng
Khoảng 13 giờ 20 ngày 3.6, cây xăng dầu số 9 bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa theo dòng xăng từ chiếc xe bồn đang tiếp xăng vào hầm lan ra khắp mặt đường và bén vào những nhà dân, cửa hàng bên cạnh. Rất đông người đi đường và người dân sống xung quanh cây xăng hoảng loạn bỏ chạy.
|
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực dập tắt đám cháy. |
Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã điều động 5 xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm đến hiện trường. Tuy nhiên, ngọn lửa bốc cháy dữ dội nên 10 xe chữa cháy, xe chuyên dùng của các Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Trì và 3 xe chữa cháy của Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội phải tiếp viện cùng với 1 xe ủi, 1 xe ben chở cát của các doanh nghiệp đến hỗ trợ. Đường Trần Hưng Đạo bị phong tỏa, người dân trong khu vực được sơ tán khẩn cấp.
Các lực lượng CSGT, CSCĐ, công an địa phương, dân phòng… với số lượng gần nghìn người sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn đám cháy lan rộng, vì xăng vẫn chảy ra từ chiếc xe bồn dung tích chứa 22.000 lít, nhiệt độ cao, khói độc cuồn cuộn. Lực lượng chữa cháy tập trung ngăn xăng chảy tràn, chống cháy lan ra các công trình xung quanh, làm mát để chống nổ téc, phuy… trong trạm xăng dầu. Đến 16 giờ cùng ngày, đám cháy bị dập tắt. Tuy nhiên, do xăng trên chiếc xe bồn tiếp tục chảy qua van và tràn ra xung quanh nên đến 16 giờ 15, xăng tiếp tục bùng cháy làm một số cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bị thương. Đến 18 giờ, ngọn lửa mới bị khống chế hoàn toàn.
Trong năm 2012, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã xử lý 129 cửa hàng kinh doanh xăng dầu có vi phạm an toàn về PCCC. Sáu tháng đầu năm 2013 đã xử lý 28 trường hợp.
Theo quan sát của PV tại hiện trường ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lửa đã thiêu rụi chiếc xe bồn chở xăng, 1 ô tô 4 chỗ, 6 xe máy ở quán bia và phòng khám bệnh lân cận. Những nhà ở xung quanh cây xăng bị cháy lan đều hư hỏng nặng. Khi vụ cháy xảy ra, đã có 3 nhân viên của cây xăng và 3 người dân đang mua xăng bị bỏng nặng.
Có 10 cán bộ cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thống - trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn - cho biết đã tiếp nhận 6 ca bỏng do Bệnh viện 108 chuyển sang. Các bệnh nhân đều là cảnh sát PCCC bị bỏng vùng tay, mặt. Hai bệnh nhân bỏng rộng vùng tay, còn bốn bệnh nhân bỏng vùng mặt phải theo dõi bỏng hô hấp.
"Bà hỏa" vẫn luôn rình rập
Những người dân chứng kiến vụ cháy từ đầu cho biết xe bồn đến tiếp xăng lúc 13 giờ 20, tức là vi phạm quy định cấm cây xăng không được nhập hàng từ 6 giờ – 21 giờ. Việc nhập xăng phải thực hiện vào ban đêm khi không có khách, người qua đường thưa vắng và thời tiết dịu mát.
|
Các chiến sĩ công an bị thương đang được điều trị tại bệnh viện |
Ngày 4.6, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: "Nguyên nhân của vụ cháy là do rò rỉ trong quá trình chuyển xăng từ xe bồn xuống bể chứa của cây xăng. Xăng chảy xuống rãnh nước bên đường qua tiệm sửa xe, quán cơm, gặp bếp than đang cháy nên đã bắt lửa cháy ngược lại xe chở xăng. Ngọn lửa bùng lên bao trùm xe bồn rồi cháy lan rộng ra". Thiếu tướng Nghi cho biết thêm: "Lo ngại lớn nhất là vụ cháy sẽ dẫn đến nổ nhưng may mắn là đã không xảy ra. Lo ngại thứ hai là xăng theo nước chảy vào hệ thống cống ngầm sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Chúng tôi phải dùng bọt, nước, cát phối hợp nhau để dập lửa và giảm nhiệt để tránh nổ".
Theo thiếu tướng Nghi, trong TP.Hà Nội có rất nhiều cây xăng đang vi phạm an toàn về PCCC nhưng thực tế rất khó để xử lý tất cả. Có trạm xăng xây từ cách đây 20 năm có khoảng cách an toàn về phòng chống cháy nổ, nhưng sau đó nhà dân lấn ra và áp sát như bây giờ. Ngoài ra, quỹ đất của thủ đô cũng hạn hẹp, mật độ nhà dân cao, lượng xe lớn, nhu cầu xăng dầu lớn, nếu làm đúng theo quy chuẩn thì người nội thành sẽ phải ra các huyện ngoại thành đổ xăng vì nội thành sẽ không có cây xăng nào cả. Với thực trạng như vậy, sau vụ cháy kinh hoàng này, hẳn sẽ còn nhiều hiểm nguy từ hỏa hoạn xăng dầu đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân thủ đô.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.