Dẫu biết con đường trốn chạy gặp nhiều nguy nan, có khi phải trả giá bằng tính mạng nhưng những người phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc không bao giờ tắt hy vọng. Những cuộc chạy trốn vẫn diễn ra, và một số ít người đã may mắn thoát khỏi động quỷ...
Chạy trốn
Làm dâu xứ người, bị đày đọa thân xác như trâu ngựa, chị S (quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) quyết tâm chạy trốn. Nhưng vì không có tiền, chạy không được xa nên nhiều lần chị bỏ trốn rồi lại bị bắt. Hậu quả là chị phải gánh chịu những trận đòn trừng phạt. Chị hiểu rằng muốn trở lại quê hương cần phải có tiền. Từ đó, chị cắn răng chịu đựng, dành dụm tiền chờ một ngày nào đó chạy trốn.
Chị V.T.T.T. hàng ngày phải vượt hàng chục cây số đến tận các làng xã làm dịch vụ ép dẻo, cắt chìa khóa và bán nhiều thứ hàng để nuôi con. N.V
Gần 2 tháng sau khi bị bán, nỗi nhớ con giằng xé tâm can, chị S bắt đầu cuộc “vượt ngục”. 1 giờ sáng hôm đó, chị lần trong bóng đêm chạy thục mạng ra thị trấn. Đến sáng, chị bắt xe ôm đi tiếp. “Lúc đó tôi xác định cứ phải chạy đi thật xa, càng xa càng tốt đã. Đến lúc hết sạch tiền xe ôm, tôi tiếp tục đi bộ. Cứ thế, chui lủi giữa rừng sâu” - chị S kể.
Đến một hôm, trong lúc đói lả người vì đi bộ nhiều ngày, chị may mắn gặp một cụ bà tốt bụng. Cụ bà ấy đã dắt chị S vào một đồn của công an Trung Quốc và từ đây, chị được giải cứu, trở về nhà trong niềm vui khôn tả. Bà con xóm giềng đến thăm hỏi, động viên rất đông, ai cũng mừng cho chị.
Chị Nguyễn Thị Th (trú Hải Lăng, Quảng Trị) kể, sau khi bị sang đi bán lại 3 lần, chị rơi vào tay một ông chồng nông dân Trung Quốc. Sau 4 tháng làm thân trâu ngựa cho nhà chồng, chị may mắn gặp được một phụ nữ tên H đồng cảnh ngộ.
Chị H bị lừa bán sang Trung Quốc trước đó cả chục năm. Sau khi bàn bạc, hai chị bắt đầu chạy trốn. Sống chui lủi, chạy hết rừng này qua núi nọ, cuối cùng hai chị thoát đến một nơi khá xa. Hai chị em phải quần quật làm thuê cuốc mướn suốt 2 năm mới có tiền bắt xe về lại quê hương. Không dám qua cửa khẩu, hai chị phải chui lủi giữa rừng sâu, bị trấn lột sạch sẽ.
“Lúc đó bọn du côn biết chúng tôi từ Trung Quốc trở về, cứ tưởng có vàng bạc trong người nên nó lục soát. Ngay cả đôi dép chúng nó cũng cắt ra để kiểm tra” – chị Th rùng mình nhớ lại.
Trong những người hiếm hoi trở về, chị V.T.T.T (thị xã Quảng Trị) được xem là may mắn nhất. Sau khi chị bỏ nhà ra đi theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, bố mẹ chị T đã trình báo với công an địa phương. Mặt khác, gia đình chị cũng tạo áp lực với thân nhân của kẻ buôn người. Sau 3 tháng đấu tranh, chị T mới được thả về nhà.
Nhưng cũng có rất nhiều người chạy trốn bất thành. Cái giá của sự liều lĩnh ấy là những trận đòn tàn bạo. Có người bị giam không cho ăn uống; chấn thương vùng kín vì bị vật nhọn đâm vào; bị cột ngược chân, treo thân mình lơ lửng trên trần nhà; thảm thương hơn còn bị cắt gót chân, gân chân… Thế nên, không nhiều nạn nhân can đảm trốn chạy. Phần lớn họ vẫn đang phiêu bạt, cùng cực nơi đất khách, quê người.
Đối mặt với miệng lưỡi thế gian
Sau những cuộc chạy trốn ê chề, thoát mạng trở về với mẹ cha, các chị ai nấy mừng đến rơi nước mắt. Vậy nhưng, trở về quê hương, người thương kẻ ghét, họ phải đối mặt với miệng lưỡi thế gian, đói nghèo, bệnh tật đeo bám.
Chị N.T.M (thị xã Quảng Trị) may mắn gặp một ông chủ người Trung Quốc làm nghề buôn bán trái cây giúp đỡ mới trở về được quê hương. Ngày chị M mất tích, em trai chị đang là sinh viên năm 2 trường sư phạm đành bỏ lỡ chuyện học hành, bán đi nửa căn nhà lấy tiền lặn lội khắp nơi tìm chị. Từ yêu thương, người em trai lại quay sang trách móc chị. Đau đớn vì mất con và gánh chịu nhiều điều tiếng, mẹ chị M cũng lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Không chỉ vậy, chị còn bị người đời xa lánh, miệt thị. Họ đánh đồng rằng vì muốn ăn trắng mặc trơn, siêng ăn nhác làm nên chị qua Trung Quốc làm gái mại dâm. Nỗi oan biết tỏ cùng ai, chị đành câm nín chịu đựng. Ngày chị M mở hàng bán bún, nhiều người bàn tán xôn xao rồi xúi nhau không ăn. Thế là nguyên cả tháng kiên trì nhưng bún nấu ra đành đem đổ phí vì không bán được tô nào.
“Họ nói rằng tôi qua Trung Quốc mang bệnh tật trong người, ăn bún của tui sẽ bị bệnh, nói chung là đủ điều thị phi. Tủi lắm chú ạ” – chị M sụt sùi nước mắt.
Ngày chúng tôi có mặt tại nhà chị M, chị V.T.T.T cũng ghé thăm sau một ngày lam lũ. “Bị người đời ghẻ lạnh, bây giờ chỉ có những người cùng cảnh ngộ như chúng tôi mới có thể tâm sự, giãi bày được với nhau thôi” – chị M tâm sự.
Năm 2006, tin lời ả buôn người, chị V.T.T.T bị lừa bán sang Trung Quốc và trở thành cỗ máy kiếm tiền cho các chủ chứa ròng rã một năm trời. Ngày trở về, ngoài thân xác tả tơi, chị còn mang trong mình một thai nhi của khách làng chơi. Phải cố gắng lắm chị mới bảo vệ được đứa con vì người đời ai cũng bảo nên phá bỏ nó đi.
Khi đứa bé được 6 tuổi, chị quen một người đàn ông và quyết định tiến đến hôn nhân. Vậy nhưng phận đời bạc bẽo, chị chọn nhầm một ông chồng vũ phu, hám gái. Cái thai đôi đến tháng thứ 4, người chồng bội bạc bỏ đi để lại chị bơ vơ lạc lõng. Giờ đây, ngày nào chị T cũng phải đẩy chiếc xe điện rong ruổi hàng chục cây số đi khắp các làng xã làm dịch vụ cắt chìa khóa, ép dẻo để chăm lo cho người cha tàn tật, người mẹ đau yếu cùng 3 đứa con thơ.
Ông Lưu Văn Năng - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị) bày tỏ: “Mỗi nạn nhân trở về từ Trung Quốc đều mang một nỗi khổ. Người bị bạo hành dẫn đến chấn động thần kinh; người mất đi khả năng làm mẹ; sinh con tật nguyền; không có nhà để sống… Hơn lúc nào hết, họ cần sự đồng cảm, sẻ chia ít nhất là về mặt tinh thần từ gia đình, xã hội để giúp họ hòa nhập với cộng đồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.