Thần tượng "ồ ạt" vào đề thi gây "sốt" dân mạng

Tùng Anh Thứ tư, ngày 20/04/2016 14:15 PM (GMT+7)
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ , Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng chủ trương ra các đề thi mở, áp dụng kiến thức thực tiễn tránh học vẹt, học thuộc là đúng đắn, tuy nhiên không nên lạm dụng.
Bình luận 0

Gần đây xuất hiện hàng loạt các đề thi, đề kiểm tra có tiêu chí “lạ, sốc, mở” ở nhiều môn thi như Văn, Sử, Địa, Lý, Ngoại ngữ…khiến dân mạng xôn xao.

Ngày 19.4, đề thi Kiểm tra học kỳ II năm học 2015 - 2016 môn Vật lý của trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) đã gây “sốt” và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nguyên nhân là đề thi này có một câu hỏi liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” trong cộng đồng trẻ.

Cụ thể, nội dung của câu hỏi số 5 trong đề thi viết: "Trong tập 1 bộ phim "Hậu duệ mặt trời", cảnh đại uý Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng. Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất. Học sinh hãy tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném; Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến; Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó".

Mặc dù nội dung bộ phim chả liên quan gì đến vấn đề… vật lý nhưng đã được giáo viên “lồng ghép” có chủ định và khiến nhiều học sinh thích thú.

Cũng “ăn theo” bộ phim này, trước đó, trong đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh của học sinh lớp 10 trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), thầy giáo Nguyễn Đức Hưng cũng đưa nhân vật chính Song Joong Ki vào câu hỏi kiểm tra. Thầy Hưng cho biết: “Bài học có liên quan đến bộ phim mà các em yêu thích khiến các em thích thú và hào hứng hơn nên bài kiểm tra đạt điểm khá cao”.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Không chỉ có bộ phim đình đám này, rất nhiều nhân vật thần tượng của giới trẻ cũng đã được đưa vào các đề thi, kiểm tra gây nhiều tranh cãi.

Ngay sau khi nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập (nhóm Bức Tường) qua đời, trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) đã dành trọn đề thi chọn học sinh giỏi lớp 11 môn Ngữ văn để nói về nhạc sĩ, ca sĩ này với 1 câu hỏi bình luận về sự kiện, 1 câu liên hệ hình ảnh đối nghịch từ đám tang của Trần Lập trên báo chí và chương “Hạnh phúc của một tang gia” trong tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng.

Tương tự, đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh của Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa hình ảnh “đôi bàn tay thắp lửa” của Trần Lập để học sinh bày tỏ cảm xúc.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải thích việc Sở chủ trương ra đề thi này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về đổi mới đanh giá năng lực, đề thi không bắt học thuộc lòng máy móc, giúp học sinh phát triển năng lực cá nhân và khả năng vận dụng vào thực tế. Tuy nhiên, ông Giang cũng thừa nhận, những đề thi “hóc” cần yêu cầu kiến thức thực tiễn, nâng cao chỉ nên dành cho đối tượng là học sinh giỏi.

Trước đó, hình ảnh Sơn Tùng - MTP ngậm kẹo, Hoài Lâm - gương mặt thân quen, đội tuyển U23 Việt Nam, thậm chí cả “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh, “thảm họa” Bà Tưng… cũng lần lượt được đưa vào đề thi của các trường phổ thông.

img

Đề thi có đưa bộ phim “Hậu duệ của mặt trời”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng chủ trương ra các đề thi mở, áp dụng kiến thức thực tiễn tránh học vẹt, học thuộc là đúng đắn, tuy nhiên không nên lạm dụng.

“Cũng giống như chuyện lâu nay học sinh quen… ăn rau, bây giờ cho ăn chút… thịt chó, rất lạ miệng, ngon, nhưng ăn nhiều sẽ không tốt. Việc đưa đề thi dạng mở cũng vậy, không nên đưa một cách tùy tiện với những kiến thức chỉ dành cho một nhóm đối tượng học sinh không phổ biến là những em ham xem phim, nghe nhạc, đam mê thần tượng. Nếu các em chăm học lại không chăm… xem phim thì sẽ làm khó các em” - ông Nhĩ nói.

“Có rất nhiều cách ra đề thi mở với những đề tài gần gũi, gắn với chương trình phổ thông như vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, biển Đông, về gia đình, trường học… không nhất thiết phải là “sao” “siêu mẫu” “thần tượng”. Người ra đề thông minh, khôn khéo phải biết “liều lượng” như thế nào cho đủ, đừng quá lạm dụng đưa hết những chuyện trên trời, dưới đất hay những kiến thức mà người lớn cũng bó tay. Điều này sẽ khiến các em thêm hoang mang chứ không vận dụng được kiến thức hoặc làm tăng hiểu biết, sáng tạo cho các em” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem