Ở trong nước, ngô bị các cây trồng khác cạnh tranh mạnh mẽ nên duy trì được diện tích còn khó chứ không nói đến tăng. Chuyện tăng vụ, chuyển đổi lúa sang ngô đã khởi xướng lên nhưng chưa hiệu quả do tập quán mỗi loại cây mỗi khác, mỗi vùng miền mỗi khác.
Nông dân khắp nơi tin dùng sản phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam.
Ở ngoài nước, do diện tích trồng ngô của Việt Nam manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hay bị nấm mốc trong khi ngô nhập khẩu giá tốt, chất lượng đều hơn lại có thể thu mua tập trung chứ không phải gom từng tạ, từng tấn nên các nhà sản xuất thức ăn gia súc tâm lý chung là thích hàng nhập. Đã khó lại càng thêm khó!
Để thay cho chuyện mỗi năm phải đem ngoại tệ đi nhập từ 4-5 triệu tấn ngô, ngoài thay đổi kỹ thuật canh tác thì giống là giải pháp tích cực nhất giúp đẩy cao năng suất, hạ giá thành. Giống cũng là khâu thể hiện rõ nét nhất hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất. Trong hơn 200 doanh nghiệp khoa học - công nghệ của cả nước có rất ít doanh nghiệp về giống, may mắn thay Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam là một trong số đó.
Được thành lập từ năm 2005 nhằm chuyên môn hóa trong việc sản xuất kinh doanh và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về các giống ngô do Viện Nghiên cứu Ngô chọn lọc và lai tạo ra, tháng 4/2015 công ty đã được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
Ngoài trụ sở chính tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) hiện đơn vị còn có Chi nhánh Tây Bắc đóng tại xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) nhằm mục đích cung ứng những giống ngô của công ty đến với bà con nông dân các dân tộc vùng Tây Bắc và một số tỉnh phía Bắc CHDCND Lào.
Theo như quy định, doanh nghiệp khoa học - công nghệ năm thứ nhất 30%, năm thứ hai 50%, năm thứ ba 70% sản phẩm kinh doanh phải là sản phẩm khoa học - công nghệ. Trong khi đó tỷ lệ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam đạt ở mức 100% bởi lẽ toàn là sản phẩm khoa học được mua bản quyền từ những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngô với các bộ giống có chất lượng hàng đầu.
Giữa thời buổi khó khăn, cạnh tranh càng khốc liệt, đối thủ của đơn vị không chỉ là các công ty giống ở trong nước nữa mà còn là các công ty, tập đoàn đa quốc gia khổng lồ rất dày dạn kinh nghiệm và khả năng tài chính. Tuy nhiên, đơn vị không hề tự ti trong cuộc chiến đó bởi xác định mục tiêu là cạnh tranh với kẻ mạnh để chính mình cũng mạnh lên. Để phục vụ bà con nông dân mọi miền với chất lượng tốt nhất nhưng giá bán lại hạ, đồng cam, cộng khổ.
Bởi thế, hàng năm công ty đã cung cấp ra thị trường khoảng trên dưới 2.000 tấn ngô giống các loại và luôn được bà con nông dân khắp mọi miền của tổ quốc đón nhận, tin yêu, được các đơn vị đối tác tin tưởng và thắt chặt quan hệ. Các giống ngô của đơn vị luôn có giá rẻ hơn (khoảng 30%) so với giống ngô cùng loại của các công ty nước ngoài nhập nội. Chính vì điều đó mà công ty đã góp phần tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm cho bà con nông dân trực tiếp sử dụng ngô giống.
Không chỉ thế, công ty còn liên kết sản xuất giống theo nhiều hình thức như ký hợp đồng sản xuất giống với các Hợp tác xã, các đơn vị nông nghiệp có đủ điều kiện. Ký với đồng với các hộ nông dân góp đất, nhân lực và vật lực để tham gia vào chuỗi sản xuất hạt giống ngô. Tất cả đều theo quy trình kỹ thuật và chỉ đạo của cán bộ công ty, sau đó đơn vị thu mua lại sản phẩm đạt yêu cầu như cam kết theo hợp đồng đã ký.
Mỗi năm diện tích hợp tác dạng này vào khoảng trên dưới 700 ha góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người trồng ngô lên rất nhiều (thu nhập từ sản xuất hạt giống ngô đạt gấp 2,5-3 lần so với sản xuất lúa).
"Năm 2016 và những năm về sau đều là giai đoạn thách thức khi TPP mở rộng cửa cho ngô nhập khẩu vào Việt Nam nên muốn giữ ổn định cho cây ngô nội phải dùng khoa học - công nghệ, dùng chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Hiện nay, người nông dân vất vả một nắng hai sương đã đành còn bạc mặt vì chi phí sản xuất cao, giá phân, giá thuốc sâu, giá giống đắt đỏ nên cần phải chia sẻ bằng cả chất lượng lẫn giá bán", ông Tuấn chia sẻ.
|
Ở bất kỳ vùng sản xuất nào từ ngô thịt đến ngô giống, từ miền núi đến đồng bằng hay dải đất duyên hải, công ty đều đặt những “ăng ten” để có thể đo đạc, nắm bắt, phản ứng nhanh với những tín hiệu bất thường, dù là nhỏ nhất.
Với 5 sản phẩm chủ lực trong tay trong đó LVN10 là một kỷ lục khi “thọ” tới 20 năm gấp 4 lần tuổi thọ đỉnh cao trung bình của một đời giống, năm 2015, kế hoạch của công ty tiêu thụ 1.600 tấn giống nhưng đã đạt gần 2.000 tấn nhờ giống tốt, giá hợp lý.
Tiếp cận mới của đơn vị là mỗi bộ giống dù tốt mấy cũng đều có tuổi thọ của nó nên rất cần bổ sung thêm các giống mới. Đi theo hướng này công ty đã ký hợp đồng mua giống ngô lai hàng đầu của Viện Nghiên cứu Ngô là LVN669 với giá 5 tỉ đồng để đáp ứng phân khúc giống vừa năng suất vừa chống chịu kiểu như LVN 10.
Một điều đặc biệt là cả 5 vụ khảo nghiệm, giống ngô lai mới LVN669 đều đứng ở tốp đầu với các đặc tính nổi trội như thời gian sinh trưởng ngắn, độ đồng đều cao, năng suất khá, màu sắc hạt cực đẹp. Năm 2015 cũng là năm mà công ty tung ra nhận diện thương hiệu mới, bao bì mới mà nhìn từ xa logo, màu sắc nền đã có thể nhận thấy, rất nổi bật.
Theo ông Trần Thẩm Tuấn (ảnh), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam với lợi thế là bộ sản phẩm giống ngô tốt, giá rẻ, cộng thêm chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp khoa học - công nghệ được miễn giảm thuế trong 4 năm đầu, được tiếp cận các thông tin khoa học, được hỗ trợ các đề tài, dự án phát triển, được tiếp cận các gói khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, từ đó doanh nghiệp có thêm điều kiện đầu tư nâng cao thu nhập cho người dân trồng ngô.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ được miễn giảm thuế. Bởi thế doanh nghiệp đang rất cần các gói hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ và tài chính để có thể phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Vân Đình (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.