Thành công nhờ đẩy mạnh công tác phòng chống lao tuyến cơ sở

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 10/12/2017 14:22 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư vừa chia sẻ với bạn bè quốc tế về kinh nghiệm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ phòng chống lao, vận động đầu tư trong nước cho phòng chống lao. Những thành công này đã giúp Việt Nam giảm tỷ lệ mắc lao với và tử vong do lao trong nhiều năm qua.
Bình luận 0

Kinh nghiệm phòng chống lao của Việt Nam tại Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống Lao tại Matxcova (Liên bang Nga) diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua của PGS Nhung đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.

Chia sẻ với báo chí sau khi trở về Việt Nam, PGS Nhung cho biết, bệnh lao đã tồn tại hàng nghìn năm và nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn lao cũng đã được biết đến từ 134 năm trước, nhưng đến nay căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

img

Người dân đã được tuyên truyền để đi khám lao sớm khi có các dấu hiệu sốt, ho kéo dài (Ảnh minh họa IT)

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không có kiến thức về lao, cho rằng bệnh lao là bệnh nan y, khó chữa, lại lây lan khủng khiếp. Vì vậy, người bị bệnh lao vẫn bị người thân, cộng đồng xa lánh, kỳ thị. Còn người bị lao do sợ bị ruồng bỏ nên thường giấu bệnh, có triệu chứng cũng không dám đi khám.

"Khoảng 30% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng" – PGS Nhung chia sẻ.

Vì vậy, nhiều năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức bệnh lao cho người dân, giúp họ hiểu bệnh lao có thể chữa khỏi, khi có bệnh nên điều trị sớm, khi đã được chẩn đoán và kê đơn thì cần tuân thủ nghiêm ngặt, uống thuốc đúng liều lượng, bệnh sẽ sớm khỏi.

Đây là những mục tiêu được đặt ra trong Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020. Việt Nam đang cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân vào năm 2020. 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của chương trình và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, chất lượng.

Chương trình cũng đã xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.

Để làm được những điều đó, Việt Nam đề cao hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở - nơi gần người dân nhất là rất quan trọng. Từ đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng.

Đây vừa là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao và cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, nhằm tạo ra một sức mạnh tổng hợp thì mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao.

Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi năm, cả nước có khoảng 126.000 người mắc lao, trong đó chỉ 105.000-106.000 người được phát hiện bệnh, còn lại khoảng 20.000 người chưa được phát hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem