dd/mm/yyyy

Thanh Hóa: Gần 800 doanh nghiệp nông nghiệp chuyển mình theo hướng công nghệ cao

Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang từng bước chuyển mình để triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh.

Ngày 20/4/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, xây dựng một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Gần 800 doanh nghiệp nông nghiệp chuyển mình theo hướng công nghệ cao - Ảnh 2.

Đoàn thẩm định NTM Thanh Hóa thăm mô hình sản xuất dưa hoàng kim.


Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển trên nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2015 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực như: Nông nghiệp giảm từ 76,3% năm 2015 xuống 69,1% ước năm 2020, lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 7,9%, thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi được 45.101 ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Các cây trồng lợi thế được mở rộng theo hướng thâm canh, các vùng trồng cây nguyên liệu được duy trì, phát triển, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Diện tích lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao đạt 158.157 ha, tăng 13.157 ha; ngô thâm canh 20.000 ha, tăng gấp 2,8 lần; rau an toàn tập trung đạt 12.560 ha, vượt 4,7% kế hoạch; cây thức ăn chăn nuôi mở rộng lên 12.700 ha, tăng 9.000 ha...

Thanh Hóa: Gần 800 doanh nghiệp nông nghiệp chuyển mình theo hướng công nghệ cao - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NNTPNT Thanh Hóa thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Trong lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Mặc dù những năm qua bị ảnh hưởng do biến động giá thị trường, dịch bệnh, song tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi, trứng, sữa tươi đều tăng so với giai đoạn trước.

Hiện đàn bò thịt chất lượng cao 70.200 con (tăng gấp 2,34 lần), đàn bò sữa 15.000 con (tăng 11.500 con), đàn trâu 200.000 con (tăng 4.400 con)... tổng sản lượng thịt hơi bình quân đạt 240.000 tấn/năm, tăng 36.300 tấn/năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ chuyển dịch theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư đầu vào và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn.

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 350 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 1.313 ha nuôi ngao. Khai thác hải sản cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để bảo quản, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả khai thác.

Tiếp tục tạo được chuyển biến trong phát triển nông nghiệp đạt hiệu ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng được các nhóm giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển sang cây trồng có lợi thế phát triển, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gắn với sản xuất theo chuỗi đối với sản phẩm chủ lực. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...

PV BMT