dd/mm/yyyy

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trong mùa mưa, lũ

Cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai nhiều giải pháp khắc phục, xử lý để hạn chế nguy cơ đã lăn trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân.

Thiệt hại từ đá lăn

Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Sơn La đã xảy ra một số vụ đá lăn, đe doạ sự an toàn của người dân. Cụ thể, vào mùa mưa năm 2020, tại bản Púng, xã Chiềng Ngần đã xảy ra vụ đá lăn làm 1 người chết, 1 người bị thương. Anh Lò Văn Tiến, chủ hộ gia đình bị đá lăn vào nhà vẫn bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng ấy. Chỉ tay về nơi xảy ra vụ việc, anh Tiến kể: Tôi sống ở đây đã hơn 20 năm, tảng đá đó nằm trên sườn đồi phía sau nhà cũng đã bằng ấy năm hoặc có khi lâu hơn. Hôm đó, có lẽ do mưa lớn khiến lớp đất giữ nó trôi hết. Trong tích tắc, tảng đá lăn từ trên đồi xuống làm sập nhà, đè nát mọi thứ, bố tôi vẫn ở bên trong và không thoát ra ngoài kịp nên đã bị đá đè.

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trước mùa mưa, lũ - Ảnh 1.

Căn nhà sàn của anh Lò Văn Tiến, bản Púng, xã Chiềng Ngần bị đá lăn gây hư hỏng nặng năm 2020.

Trao đổi với PV, ông Cà Văn Yêu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết: Năm 2020, trên địa bàn xã đã xảy ra 1 vụ đá lăn khiến 1 người tử vong. Vụ việc ngày hôm ấy xảy ra quá bất ngờ, chúng tôi đã huy động lực lượng 4 tại chỗ và báo cáo cấp trên. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp xuống chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động lực lượng công an, quân đội để hỗ trợ gia đình đưa người bị thương đi cấp cứu và khắc phục thiệt hại. Ước tính thiệt hại về tài sản gần 500 triệu đồng.

Trước đó, vào đêm 7/8/2020, khu vực đường trục xã đi bản Bôm Nam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cũng đã xảy ra vụ đá lăn. Tảng đá khoảng 50m3 lăn xuống, rất may không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng nặng 10 mét đường giao thông. Khối đá lăn chắn ngang đường, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Chính quyền địa phương đã cho phá hủy khối đá, khắc phục ách tắc giao thông.

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trước mùa mưa, lũ - Ảnh 2.

Người dân dùng gỗ chống, để phòng đá lăn.

Cũng trong tháng 8/2020, Công an thành phố Sơn La đã kịp thời ngăn chặn nguy cơ đá lăn xuống khu dân cư tại khu vực tổ 3, phường Quyết Tâm. Người dân phát hiện có 1 tảng đá (kích thước 3x3x2m) đã trượt khỏi vị trí ban đầu, nằm trên taluy dương cao khoảng 20m, cách nhà dân khoảng 30m và đang có nguy cơ lăn xuống khu dân cư.

Công an thành phố đã huy động lực lượng, phối hợp với phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự thành phố, chính quyền địa phương sơ tán hơn 10 hộ dân xung quanh khu vực có nguy cơ đá lăn. Các lực lượng tại hiện trường đã có biện pháp níu, giữ tảng đá và bàn giao cho đơn vị thi công tiến hành phá dỡ đảm bảo an toàn cho tài sản và người dân xung quanh khu vực.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, Phó Trưởng phòng kinh tế, UBND thành phố Sơn La, cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Sơn La, được biết: Do những tác động của thiên nhiên, tầng địa chất và cả tác động từ phía con người, hiện tượng đá lở, đá lăn có thể xảy ra cả 4 mùa. Tuy nhiên, vào mùa mưa có nguy cơ cao nhất. Do mưa lớn kéo dài, sẽ làm mất sự liên kết của đất, đá trên sườn đồi và núi ở vùng có địa hình dốc lớn, địa chất yếu tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá lăn ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trước mùa mưa, lũ - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng giúp gia đình anh Lò Văn Tiến, bản Púng, xã Chiềng Ngần tháo dỡ nhà, chuyển đến địa điểm mới.

Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố Sơn La đã xảy ra 5 vụ đá lăn nghiêm trọng, làm 1 người chết, 2 người bị thương; 5 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; hư hỏng mặt đường; thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của các hộ gia đình… Ngoài ra, còn có nhiều vụ đá lăn nhỏ xảy ra tại bản Có, bản Phiêng Hay (Chiềng Xôm); bản Tam (Chiềng Đen); Tiểu khu I (Chiềng Ngần); bản Cọ, bản Hài (Chiềng An); bản Lầu (Chiềng Lề)... Ước tính thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng của đá lăn khoảng 1 tỷ đồng.

Phòng chống nguy cơ đá lăn trong mùa mưa, lũ

Vì sự an toàn của người dân, hằng năm, UBND thành phố Sơn La đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và xã, phường xây dựng phương án phòng chống thiên tai, trong đó, tập trung vào nội dung phòng tránh nguy cơ đá lăn trên địa bàn.

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trước mùa mưa, lũ - Ảnh 5.

Mưa lớn, làm đá lăn xuống đường, cản trở quá trình đi lại của người dân. Thành phố Sơn La đã huy động máy xúc sửa đường, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Thành phố đã ban hành các văn bản, chỉ đạo các xã, phường thực hiện nghiêm chế chộ trực phòng chống thiên tai. Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thông tin cảnh báo kịp thời tới người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Cùng với đó, thành phố đã tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra đá lăn để chủ động thực hiện các biện pháp xử lý. Ngoài ra, UBND thành phố còn hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để phối hợp với đơn vị thi công có phương án xử lý, phá các khối đá nguy cơ lăn, đảm bảo an toàn cho người dân. 

Thành phố Sơn La: Phòng chống nguy cơ đá lăn trước mùa mưa, lũ - Ảnh 6.

Vào chiều ngày 20/8/2020, Công an thành phố Sơn La đã kịp thời ngăn chặn nguy cơ đá lăn xuống khu dân cư tại khu vực tổ 3, phường Quyết Tâm.

Theo thống kê, các xã, phường trên địa bàn thành phố Sơn La đã xử lý kịp thời đá có nguy cơ lăn tại một số điểm như: Tiểu khu I (Chiềng Ngần); tổ 2 (Chiềng Cơi), bản Hài (Chiềng An), bản Pọng (Hua La)… Bên cạnh đó, thành phố Sơn La cũng đã ra quyết định di dời khẩn cấp đối với các hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao, sạt lở đất, đá lăn và thực hiện các biện pháp hỗ trợ di dời cho 4 hộ gia đình trong vùng có nguy cơ đá lăn, sạt lở để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Bước vào mùa mưa, các xã, phường trên thành phố Sơn La thực hiện tốt phương châm "chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả"; phòng là chính. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ" kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn (nếu có), nhanh chóng ổn định sản xuất.

 

Hà Hoàng