Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc khi những sai phạm nghiêm trọng diễn ra tại Vigecam không được xử lý đến nơi đến chốn. Cách xử lý sau thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và các đơn vị liên quan còn thể hiện sự thiếu khách quan, minh bạch. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có công văn gởi Thủ tướng, khẳng định lại kết luận của mình.
"Giải vây" cho Vigecam
Khi nhận được văn bản ngày 5.9.2012 của Bộ NN và PTNT báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra tại Vigecam, TTCP đã ra công văn số 2325/TTCP-V.I nêu quan điểm rất rõ ràng, cụ thể.
|
Công văn nêu rõ ý kiến về báo cáo xử lý sau thanh tra của Bộ NN và PTNT của TTCP |
Chúng tôi xin trích ra một số vấn đề trong công văn này để một lần nữa làm rõ những sai phạm tại Vigecam. Trong lúc thanh tra có kết luận chi tiết từng sai phạm, nhưng với tư cách đơn vị chủ quản, Bộ NN và PTNT không thẳng thắn thừa nhận và nghiêm túc xử lý, mà bao biện bằng những báo cáo trả lời qua loa, đại khái.
Khôi hài nhất là sau hàng loạt báo cáo xử lý hậu thanh tra không nhận được sự đồng tình của dư luận (đây chính là lý do khiến vụ việc bị tố cáo suốt hai năm liền), Bộ NN và PTNT lại đưa ra những luận điểm phủ nhận kết luận thanh tra.
Nói về dự án xây dựng khu nhà ở Vigecam tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ NN và PTNT cho rằng: Vigecam đã thuê thẩm định giá bán căn hộ, đã bán căn hộ qua sàn giao dịch bất động sản của Công ty TNHH MTV dịch vụ địa ốc ACB. Vì thế, Bộ đề nghị TTCP xem xét lại kết luận sai phạm trong việc định giá bán gây thiệt hại cho nhà nước.
Nhưng theo TTCP, Hội đồng quản trị Vigecam đã quyết định giá bán, vị trí, đối tượng được mua căn hộ căn cứ vào phương án bán căn hộ do chính Vigecam lập, không hề qua sàn giao dịch bất động sản. Việc Công ty địa ốc ACB xác nhận bất động sản đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng tại sàn giao dịch là nhằm hợp thức cho việc mua bán các căn hộ chưa qua sàn giao dịch của Vigecam.
Trong 34 căn hộ bán cho cán bộ - công nhân viên, có chín căn Vigecam đã chuyển nhượng hoặc ủy quyền cho cá nhân khác ngoài tổng công ty ký hợp đồng bán, giá chênh lệch cao so với giá Vigecam phê duyệt. Từ việc định giá vị trí khu đất chưa chính xác, việc chuyển nhượng các căn hộ không thông qua sàn giao dịch bất động sản và thực tế một số cán bộ thuộc Vigecam được duyệt mua căn hộ đã chuyển nhượng để hưởng chênh lệch, TTCP một lần nữa khẳng định kết luận nội dung đơn tố cáo nêu “có sai phạm trong việc định giá bán, giao dịch qua sàn gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng” là đúng.
Bàn đến việc mua và sử dụng xe ôtô con, Bộ NN và PTNT ra sức chống chế: việc mua xe của Vigecam xuất phát từ yêu cầu sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Nguồn vốn dùng để mua xe từ quỹ đầu tư phát triển của tổng công ty nên đề nghị được tiếp tục sử dụng các xe ôtô đã mua.
Bác bỏ quan điểm trên, TTCP cho rằng Vigecam đã mua ba xe có giá vượt quy định, trong đó có hai xe Camry chủ yếu phục vụ ông Phạm Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Đức Phong - Tổng giám đốc Vigecam.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, xe ôtô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt định mức phải bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước, không hề có quy định hình thức xử lý như đề xuất của Bộ NN và PTNT.
Trong vụ cho thuê khách sạn 120 Quán Thánh, Hà Nội, Bộ NN và PTNT quả quyết rằng: kết luận thanh tra nêu đúng về hiện tượng nhưng không có sai phạm như trong kết luận đã nêu. Nhưng khi đối chiếu với hồ sơ đấu giá tại Vigecam, rõ ràng Công ty TNHH TM DL M.H đưa ra mức giá thấp hơn công ty khác nhưng lại được trúng đấu giá. Hơn nữa, sau khi kinh doanh, Vigecam còn liên tục ký hợp đồng giảm giá thuê cho Công ty M.H. Tính đến ngày 9.2.2010, công ty này còn nợ Vigecam tiền thuê khách sạn gần 5 tỷ đồng.
Vì sao Công ty M.H lại được ưu ái của Vigecam đến mức này? Đó chính là lý do TTCP khẳng định nội dung đơn tố cáo nêu nghi ngờ có khuất tất xung quanh việc cho thuê trên là có cơ sở.
Quyết định cuối cùng
Trong báo cáo kết quả rà soát xử lý sau thanh tra tại Vigecam, Bộ NN và PTNT còn bao biện cho nhiều vấn đề khác một cách chủ quan. Chẳng hạn việc bán phân bón cho Công ty Thành Tín (Báo CATP đã có bài phản ánh), bộ lại cho rằng việc quyết định giá mua, bán hay không thu lãi trả chậm hoàn toàn thuộc thẩm quyền công ty; việc giao văn phòng làm việc và tiền vốn cho Vigecam Trading là hoàn toàn không sai phạm; hay việc chia lương thưởng và tuyển dụng lao động vô nguyên tắc, bộ cho rằng kết luận thanh tra là đúng, nhưng kết luận số tiền tổng công ty trích vượt quy định hơn 15 tỷ đồng là không đúng thời điểm trích...
Những lập luận trên đã bị TTCP bác bỏ bằng những dẫn chứng rất cụ thể và hợp lý. TTCP khẳng định những vấn đề có trong kết luận thanh tra là hoàn toàn đúng, là có thật và có cơ sở.
Thanh tra Chính phủ cho biết thêm: Bộ NN và PTNT đã từng ra văn bản số 2636/BNN-TTr ngày 20.8.2012 gửi Văn phòng Chính phủ nêu việc Ban cán sự đảng Bộ NN và PTNT sẽ tổ chức cuộc họp để Vigecam báo cáo kết quả rà soát, trong đó ghi rõ tham dự cuộc họp có mời đại diện TTCP, nhưng TTCP không hề nhận được giấy mời nên không tham dự.
Thanh tra Chính phủ cho rằng các vi phạm trong kết luận thanh tra chính là những thiếu sót, sai phạm của lãnh đạo Vigecam và trách nhiệm của Bộ NN và PTNT. Vigecam là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng đã bán hàng, điều chuyển vốn, chia lương thưởng... trái nguyên tắc.
Bộ NN và PTNT quyết định điều chuyển dự án 76 căn hộ cho Vigecam làm chủ đầu tư nhưng thiếu giám sát, gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước. Ngoài ra, chính văn bản số 2459/BNN-TCCB ngày 22.4.2008 của Bộ NN và PTNT đã kết luận về việc thiếu khách quan về bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của ông Nguyễn Đức Phong - Tổng giám đốc Vigecam.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo lình xình sau đó xung quanh vấn đề bằng cấp của ông Phong. Điều đó có nghĩa là ngay từ đầu, chính Bộ NN và PTNT đã khơi mào vụ việc này, nhưng sau khi có kết luận thanh tra, bộ lại ra sức bảo vệ cho ông Phong, khiến vấn đề càng thêm rối rắm và phức tạp.
Sau khi phủ nhận những luận điểm của Bộ NN và PTNT về những sai phạm tại Vigecam, cuối cùng, TTCP nêu rõ quan điểm: “Theo quy định của Luật thanh tra, Bộ NN và PTNT không có thẩm quyền xem xét lại kết luận thanh tra của TTCP. Từ khi có kết luận thanh tra đến nay, TTCP không nhận được khiếu nại, kiến nghị của Vigecam, của Bộ NN và PTNT về những sai phạm được kết luận.
Nay Bộ NN và PTNT có văn bản báo cáo kết quả rà soát xử lý sau thanh tra tại Vigecam, nhưng không đưa ra được các quy định làm thay đổi các điều khoản kết luận thanh tra đã viện dẫn. TTCP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”.
Vậy là sau một thời gian dài “chống chọi” với búa rìu dư luận, Bộ NN và PTNT đã tìm cách bào chữa cho những sai phạm của “đứa con cưng” Vigecam, nhưng những ý kiến của TTCP một lần nữa khẳng định những sai phạm trong kết luận thanh tra trước đó là hoàn toàn đúng. Dư luận đang rất nóng lòng chờ đợi kết quả xử lý từ cơ quan chức năng có liên quan.
Theo CA TP. HCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.