Thấp thỏm chờ tới “giờ G” của Sacombank

Quốc Hải Thứ năm, ngày 04/05/2017 16:33 PM (GMT+7)
Dù cơ cấu về nhân sự cho HĐQT đã được chuẩn bị đầy đủ nhưng khả năng diễn ra đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2015 - 2016 của Sacombank (mã STB) vào ngày 26.5 tới vẫn là khá bấp bênh...
Bình luận 0

Theo dự báo của giới chuyên gia ngân hàng tài chính, nhiều khả năng đại hội cổ đông của STB sẽ tiếp tục “lỗi hẹn” nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, 2016 không hoàn thành khi áp lực cân đối tài chính cho lượng trái phiếu VAMC, thoái lãi dự thu... của STB là rất lớn.

Áp lực trước giờ “G”

Theo báo cáo của Sacombank, hết quý 1.2017, nợ xấu tại STB giảm đáng kể, từ 5,35% cuối 2016 xuống 4,88%. Tuy nhiên, nếu xem xét cả phần nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cùng lượng tiềm ẩn trong quy mô lớn của các khoản phải thu và lãi dự thu thì tỷ lệ sát thực sẽ ở mức rất cao. Cụ thể, tổng nợ xấu mà Sacombank ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 lên đến 46.219 tỷ đồng, chiếm tới 19% tổng dư nợ (gồm dư nợ tín dụng và trái phiếu VAMC).

Tuy nhiên, trong thực tế, nếu ghi nhận đầy đủ hơn, con số nợ xấu của Sacombank không dừng ở đó bởi Sacombank cũng đang ghi nhận tới 16.039 tỷ đồng các khoản phải thu và 26.009 tỷ đồng lãi dự thu. Lượng các khoản phải thu và lãi dự thu này được giới chuyên gia tài chính đánh giá là cao bất thường và tiềm ẩn trong đó là lượng nợ xấu không hề nhỏ.

img

Một chi nhánh giao dịch của Sacombank (Ảnh: Quốc Hải)

Với những con số này, nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng hạng mức cho lượng lớn trái phiếu VAMC, thoái lãi dự thu thì Sacombank sẽ rất khó khăn trong cân đối tài chính. Đây cũng một phần là nguyên nhân khiến thời gian qua Sacombank khó có thể lập một báo cáo tài chính hoàn chỉnh được “cộng dồn” một STB bình thường (thậm chí là khỏe mạnh) với một STB  phải gánh nặng thêm các vấn đề tài chính Southern Bank chuyển giao.

Và khi không thể có một báo cáo tài chính được kiểm toán, khả năng lùi thời gian đại hội của STB hoàn toàn có thể tiếp diễn.

Hoặc, nếu vẫn trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, khả năng tài chính của Sacombank chắc chắn sẽ bị rút cạn. Khi đó, các tiêu chuẩn an toàn hoạt động của Sacombank sẽ ở vào mức báo động. Đây cũng là một cơ sở để khối phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) mới đây rất thận trọng khi đánh giá, Sacombank gần như sẽ không có lợi nhuận năm 2017, thậm chí phải rất nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới và sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận không đáng kể trong 5-10 nữa...

Sacombank đang cần gì nhất?

Nếu như với Eximbank thì điều cần nhất có lẽ là ổn định bộ máy điều hành nhưng với Sacombank thì giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhất lại là yếu tố thời gian.

Cụ thể, theo quy định của Luật Tổ chức Tín dụng, nếu Sacombank được hưởng “cơ chế” của một ngân hàng yếu kém thì sẽ được xem xét tăng thời hạn trái phiếu đặc biệt của VAMC lên 10 năm thay vì 5 năm như hiện tại. Nên biết, với khoản nợ xấu mà Sacombank đã bán cho VAMC đến thời điểm hiện tại là 37.760 tỷ đồng, nếu được giãn ra 10 năm như các tổ chức tín dụng yếu kém thì áp lực chi phí trích lập dự phòng, cân đối hoàn tất được báo cáo tài chính các năm 2015 và 2016 sẽ giảm nhẹ hơn.

Tương tự, nếu được giãn thoái lãi dự thu (khoảng 26.009 tỷ đồng) theo lộ trình, Sacombank sẽ chủ động tốt hơn về nguồn lực tài chính trong thời điểm hiện tại.

Tất nhiên, tất cả những yếu tố này sẽ khó trở thành hiện thực bởi Sacombank không phải là một tổ chức tín dụng yếu kém. Hơn nữa, trong câu chuyện về tái cơ cấu Sacombank, phía Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ ra quyết tâm sẽ “xử lý dứt điểm” và là trọng tâm trong năm 2017 mà NHNN lưu ý bên cạnh  DongABank và ba ngân hàng 0 đồng.

Vì vậy, Sacombank hiện đang rất cần cơ chế mở và điều này sẽ là yếu tố giúp Sacombank tái cơ cấu thành công chứ không phải chỉ là từ những yếu tố con người như Nguyễn Đức Hưởng, Đặng Văn Thành... Bởi, dù gặp gánh nặng các vấn đề tài chính, Sacombank với vị thế và chất lượng trước đây vẫn còn đó khi vẫn giữ vị thế là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu của hệ thống; đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền vẫn còn đó khi tốc động tăng trưởng tiền gửi mạnh mẽ mà ít có ngân hàng nào đạt được (đạt tới 35,7% so với thời điểm sáp nhập).

Mới đây, Sacombank đã công bố Nghị quyết phiên họp HĐQT ngày 26.4 thống nhất đề cử ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS) Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2020. Theo dành sách này, các ứng viên được đề cử vào HĐQT gồm: ông Nguyễn Đức Hưởng, Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Văn Cựu, Phạm Văn Phong và ứng viên HĐQT độc lập là bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng đang là Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Liên Việt (LVS).

Ứng viên Ban kiểm soát gồm: Nguyễn Thị Thanh Mai, Lê Văn Tòng, Hà Tôn Trung Hạnh, Trần Minh Triết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem